Dắt chó cưng đi dạo, vô tình vớ được ‘báu vật’ quý hiếm từ thời kỳ băng hà cuối cùng
Một gia đình tại Hà Lan đã có trải nghiệm đáng nhớ khi chú chó của họ bất ngờ mang về "vật thể lạ" từ bãi biển.
Tamás, người dùng Reddit với tài khoản u/Serious_Comfortable3, đã chia sẻ về phát hiện  này trên diễn đàn r/Fossils vào ngày 10/3/2025. Anh đăng tải bức ảnh về vật thể  trông như một chiếc răng đen khổng lồ, có kích thước tương đương một bàn tay. “Vừa tìm thấy thứ này trên một bãi biển Hà Lan. Trông giống như một chiếc răng . Có ai biết đây là gì không?", anh viết.


Kể lại với Newsweek, Tamás cho biết khi cả gia đình đang tản bộ, chú chó của anh bất ngờ chạy đến với vật thể lạ trong miệng. Ban đầu, anh tưởng đó chỉ là một cành cây và vô tư ném đi để chơi trò ném bắt. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ hơn, anh nhận thấy nó có vẻ là một hóa thạch .
Sau khi mang về nhà và đăng lên Reddit, bài viết của Tamás nhanh chóng thu hút sự chú ý. Các giả thuyết liên tục được đưa ra, từ răng cá mập cổ đại, móng vuốt lười cho đến xương ngón chân của một loài bò sát bay.
Sau đó, một nhà khảo cổ học đã lên tiếng giải thích. Theo chuyên gia này, vật thể mà Tamás tìm thấy có thể là một phần sừng hóa thạch của bò rừng châu Âu, loài sinh sống vào thời kỳ băng hà cuối cùng.


Hiện tại, Tamás đã gửi hình ảnh mẫu vật đến Naturalis Biodiversity Center, bảo tàng lịch sử tự nhiên lớn nhất Hà Lan, để xác nhận. Nếu mẫu vật được quan tâm, nó có thể sẽ xuất hiện trong bộ sưu tập trưng bày của bảo tàng. Nếu không, anh dự định làm một giá gỗ nhỏ để trưng bày kỷ vật này trong phòng riêng.
Phát hiện này gợi mở nhiều câu hỏi về các hóa thạch của bò rừng thường được tìm thấy dọc theo bờ biển Bắc Âu và Vương quốc Anh. Khu vực này từng là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật cổ đại.
Bò rừng châu Âu: Tổ tiên hàng triệu năm của giống bò nhà ngày này
Bò rừng châu Âu, còn được gọi là bò Tur (Bos primigenius), được xem là tổ tiên của bò nhà ngày nay (bò thủy tổ). Loài này từng phân bố rộng rãi từ châu Á đến châu Âu với nhiều biến thể khác nhau.

Chúng có ngoại hình đặc trưng với bộ lông dài, mềm mại. Phần lông trán thường xoắn lại, màu sắc đa dạng từ đen, nâu đến trắng hoặc xám với sọc vàng dọc sống lưng. Đặc biệt, cặp sừng của bò Tur có độ dài ấn tượng, uốn cong như cánh cung, có thể đạt đến 50cm.
Ở khu vực phía nam châu Á, bò Tur có ngoại hình khác biệt với u vai cao, bộ lông màu vàng, cơ thể thuôn dài về phía sau, chân cao và đuôi dài vượt quá khuỷu chân. Chúng nổi tiếng với sức mạnh và sự nhanh nhẹn vượt trội. Con cái có chiều cao trung bình từ 150-170cm, trong khi con đực có thể cao từ 175-200cm.

Bò Tur đã được con người thuần hóa từ sớm, tạo nên hai nhánh chính là bò nhà châu Á (Bos Indicus) và bò nhà châu Âu (Bos Taurus). Tuy nhiên, loài bò Tur thuần chủng đã bị tuyệt chủng hoàn toàn và chỉ còn lại những hậu duệ đã được con người thuần dưỡng.
Theo các nghiên cứu từ Bảo tàng Cổ sinh vật học thuộc Đại học Oslo, loài bò này có nguồn gốc từ khu vực Ấn Độ cách đây vài triệu năm. Từ đó, chúng di cư sang Trung Đông, lan rộng khắp châu Á và tiến vào châu Âu khoảng 250.000 năm trước.

Dù đã biến mất khỏi tự nhiên, bò Tur vẫn để lại dấu ấn qua các hóa thạch còn sót lại. Phát hiện bất ngờ của Tamás không chỉ là một câu chuyện thú vị mà còn góp phần giúp các nhà khoa học có thêm tư liệu để nghiên cứu về loài vật huyền thoại này.