Bamboo Airways báo lỗ 17.600 tỷ năm 2022, âm vốn chủ sở hữu 835 tỷ đồng tính đến 31/12/2022.
CTCP Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways ) công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán. Bất ngờ nhất là khoản phải thu khách hàng lên đến 10.400 tỷ đồng. Số tiền lớn này hoàn toàn có thể thay đổi cục diện bức tranh tài chính của Bamboo Airways, nhưng "con nợ" vẫn đang là ẩn số.
Lỗ 17.600 tỷ năm 2022, âm vốn chủ sở hữu 835 tỷ đồng
Báo cáo ghi nhận doanh thu thuần cả năm đạt 11.732 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với doanh thu 3.557 tỷ đồng đạt được năm 2021. Tuy vậy chi phí vốn cao hơn cả doanh thu, khiến công ty lỗ gộp 3.200 tỷ đồng. Doanh thu tăng mạnh, số lỗ này cũng đã đã cải thiện nhiều so với 4.000 tỷ đồng năm 2021.
Trong năm doanh thu tài chính đạt 121 tỷ đồng, chưa bằng 5% so với con số 2.571 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2021. Trong khi đó chi phí tài chính lại tăng gấp 4,7 lần cùng kỳ, lên 1.405 tỷ đồng. Trong số chi phí tài chính, chi phí lãi vay 544 tỷ đồng, chiếm 38,7% tổng chi phí tài chính và gấp 2,2 lần cùng kỳ.
Đáng chú ý là khoản chi phí quản lý doanh nghiệp 12.750 tỷ đồng, gấp 80 lần so với số 158 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2021.
Những yếu tố trên khiến Bamboo Airways ghi lỗ 17.619 tỷ đồng cả năm, tăng mạnh so với số lỗ 2.280 tỷ đồng trong năm 2021. Tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2022 hơn 19.335 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu 18.500 tỷ đồng. Có nghĩa, đến hết năm 2022 Bamboo Airways đã âm vốn chủ sở hữu hơn 835 tỷ đồng.
Bamboo Airways đối mặt khoản vay tài chính ngắn hạn chục nghìn tỷ đồng
Báo cáo tài chính kiểm toán của Bamboo Airways chỉ dừng lại ở bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Không công bố phần thuyết minh báo cáo tài chính.
Câu chuyện “có một hãng hàng không đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản” đã dấy nên những đồn đoán suốt tuần qua. Nhiều dự đoán “một hãng hàng không” đó là Bamboo Airways. Trước bão tin đồn, sau đó Bamboo Airways đã phát đi thông điệp “vẫn duy trì hoạt động bình thường”.
Vậy bức tranh tài chính của Bamboo Airways ra sao để bị đồn đoán nộp đơn xin bảo hộ phá sản, ngoài thông tin khá cũ là lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng năm 2022?
Bảng cân đối tài chính ghi nhận tổng nợ phải trả của Bamboo Airways đến 31/12/2022 là 18.843 tỷ đồng, tăng gần 8.800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 10.114 tỷ đồng (tăng 5.840 tỷ đồng so với đầu năm). Ngoài ra, “phải trả người bán ngắn hạn” 3.806 tỷ đồng, tăng gần 800 tỷ đồng so với số dư đầu năm.
Tổng nợ dài hạn hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính dài hạn 508 tỷ đồng (giảm 11 tỷ đồng so với đầu năm) và còn khoản “dự phòng phải trả dài hạn” 977 tỷ đồng.
Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn 10.622 tỷ đồng. Thông tin về nợ thuê tài chính cho thấy Bamboo Airways phải đối mặt với hơn 10.000 tỷ đồng vay nợ tài chính ngắn hạn và khoản “phải trả người bán ngắn hạn” hơn 3.800 tỷ đồng đang treo ở đó.
Phải thu về cho vay ngắn hạn chục nghìn tỷ từ đâu?
Một điểm đáng chú ý trên báo cáo tài chính năm 2022 của Baboo Airways là khoản “phải thu về cho vay ngắn hạn” hơn 10.443 tỷ đồng (tăng hơn 900 tỷ đồng so với đầu năm). Và khoản “phải thu ngắn hạn khác” hơn 1.913 tỷ đồng, tăng gần 1.700 tỷ đồng so với đầu năm).
Bamboo Airways đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn hơn 9.692 tỷ đồng cho các khoản này. Vậy câu hỏi đặt ra là, Bamboo Airways cho ai vay? Sao lại phải trích lập dự phòng hàng gần chục nghìn tỷ đồng?
Bamboo Airways thông báo "hoạt động bình thường" và câu chuyện về thủ tục phá sản 
Bamboo Airways được gia hạn khoản nợ tại SGN tới năm 2028 
Vé máy bay dịp Tết nguyên đán 2025 cao nhất 3,7 triệu, nhiều chặng bay hết chỗ