Đấu trường lịch sử duy nhất được mệnh danh ‘Đấu trường La Mã’ của Việt Nam, nơi voi và hổ quyết đấu sinh tử dưới thời nhà Nguyễn
Di tích này từng là nơi từng diễn ra các cuộc đấu sinh tử giữa voi và hổ dưới thời nhà Nguyễn, được mệnh danh là "đấu trường La Mã của Việt Nam".
Nằm cách trung tâm thành phố Huế  khoảng 5km về phía Tây, Di tích Hổ Quyền - Điện Voi Ré tọa lạc tại phường Thủy Biều, thành phố Huế. Đây là nơi từng diễn ra các cuộc đấu sinh tử giữa voi và hổ dưới thời nhà Nguyễn , được mệnh danh là "đấu trường La Mã của Việt Nam".
Theo tư liệu lịch sử, trước khi có đấu trường chính thức cho voi và hổ, các trận đấu này thường được tổ chức tại cồn Dã Viên (nay thuộc thành phố Huế). Năm 1829, khi vua Minh Mạng  cùng các quan đang ngự giá xem một trận tử chiến giữa voi và hổ tại đây, một con hổ bất ngờ bơi về phía thuyền rồng. Nhà vua đã phải dùng sào để đẩy con hổ ra xa, và nhờ sự can thiệp kịp thời của quan quân, con hổ bị giết ngay trên sông, giúp vua Minh Mạng thoát khỏi nguy hiểm.
Sau sự cố trên, vua Minh Mạng nhận thấy việc tổ chức các trận đấu giữa voi và hổ ở cồn Dã Viên không còn an toàn. Vì thế, vào năm 1830, ông quyết định chọn một khu đất tại chân đồi Long Thọ, không xa kinh thành Huế, để xây dựng một đấu trường kiên cố, chuyên dành cho các trận tử chiến giữa voi và hổ. Địa điểm này chính là đấu trường Hổ Quyền, nơi vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Khán đài nơi vua ngồi được xây dựng ở phía Bắc của đấu trường, được đặt cao hơn so với các vị trí xung quanh và có không gian rộng rãi. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp với 24 bậc, dành riêng cho vua, quan lại và các quốc thích đại thần. Bên phải là hệ thống bậc cấp khác, phục vụ cho các quan và binh lính.
Từ khán đài, nhìn về phía đối diện, có thể thấy 5 chuồng cọp được xây dựng ngay trong lòng đấu trường. Các chuồng này được trang bị hệ thống cửa gỗ có thể mở hoặc đóng bằng cách kéo dây nối từ trên xuống. Sân đấu chính là một thảm cỏ hình tròn, nơi các trận đấu sinh tử diễn ra.
Ngoài hệ thống tường thành của đấu trường, còn có một cửa cao 8 thước và rộng 7 tấc, được làm bằng đá thanh. Phía trên cửa có khắc chữ "Hổ Quyền." Đây là cổng vào nơi voi được đưa vào trường đấu, là điểm bắt đầu cho các trận đấu sinh tử giữa voi và hổ.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, đấu trường Hổ Quyền là công trình có kiến trúc độc đáo và đặc biệt, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, dù về quy mô không thể sánh bằng đấu trường Colosseum nổi tiếng ở Italia.
Theo các ghi chép lịch sử, trận đấu cuối cùng tại Hổ Quyền giữa voi và hổ được tổ chức vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái. Như những trận đấu khác, nghi thức tổ chức rất trang trọng. Vào ngày diễn ra trận đấu, người dân chuẩn bị hương án, lễ vật và xung quanh bày biện nghi trượng, cắm cờ và dựng lọng.
Đúng giờ Ngọ, vua cùng tùy tùng ngự thuyền đến bến đò Long Thọ để vào đấu trường. Đoàn rước đi trước bao gồm lính Ngự lâm quân và thị vệ, cầm các cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần.
Theo sau vua là đội nhạc cung đình, và suốt đoạn đường đến đấu trường, người ta phải trải chiếu hoa để đón tiếp. Hai bên đường, lính áo đỏ cầm khí giới đứng nghiêm trang, trong khi các quan trong triều quỳ cung kính để nghênh đón.
Dưới triều đại nhà Nguyễn, voi được coi là biểu tượng của cái thiện và sức mạnh của nhà vua, trong khi hổ đại diện cho cái ác. Theo quan niệm này, cái ác không thể chiến thắng cái thiện, và vì vậy, trong mọi trận quyết đấu, voi luôn phải là con vật chiến thắng để khẳng định sức mạnh và quyền lực của nhà vua.
Với những giá trị kiến trúc và lịch sử văn hóa đặc biệt, năm 1998, đấu trường Hổ Quyền đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia . Kể từ đó, địa phương đã chú trọng việc bảo tồn và trùng tu di tích, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan và tìm hiểu của người dân cũng như du khách.