Xã hội

Đầu tư qua sàn Subbex, người phụ nữ ở Hạ Long nạp 2,4 tỷ đồng nhưng không thể rút lại: Chuyện gì đã xảy ra?

Thái Hà 17/04/2025 15:01

Vụ việc của bà H. một lần nữa là lời cảnh tỉnh cho những người đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trên mạng.

Thủ đoạn lừa đảo qua sàn Subbex

Ngày 13/4, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã tiếp nhận đơn trình báo của bà T.T.T.H. (53 tuổi, trú tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đầu tư tài chính trực tuyến. Theo nội dung đơn, bà H. đã bị chiếm đoạt số tiền lên tới 2,4 tỷ đồng.

Vụ việc bắt đầu từ đầu năm 2025, khi bà H. được một người quen giới thiệu tham gia đầu tư tiền ảo qua sàn có tên “Subbex”. Sau đó, bà được hướng dẫn tải ứng dụng “Subbex” và mở tài khoản đầu tư qua đường link do một nhóm tự xưng là “Thủ lĩnh của dự án Subbex” gửi qua mạng xã hội. Các đối tượng cam kết sẽ có hoa hồng cao nếu tham gia.

Đầu tư qua sàn Subbex, người phụ nữ ở Hạ Long nạp 2,4 tỷ đồng nhưng không thể rút lại: Chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 1
Bà T.T.T.H trình báo tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Công an cung cấp

Tin tưởng vào lời mời gọi, bà H. đã chuyển tổng cộng hơn 2,4 tỷ đồng để đầu tư. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2025, khi bà H. nhiều lần yêu cầu rút tiền về ví điện tử thì không thực hiện được. Thay vào đó, nhóm “thủ lĩnh” liên tục đưa ra các lý do như phải chuyển đổi sang thẻ quốc tế mới rút được tiền hoặc sàn bị hack, đang tạm đóng ứng dụng...

Nghi ngờ bị lừa, bà H. đã đến trình báo sự việc tại cơ quan Công an. Hiện PC02 Công an tỉnh Quảng Ninh đang điều tra, xác minh vụ việc theo quy định pháp luật.

Chiêu trò không mới nhưng vô cùng tinh vi

Theo Cơ quan An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong thời gian gần đây, lừa đảo trực tuyến thông qua hình thức đầu tư tài chính ảo đang là vấn nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho người dân và ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Qua tổng hợp từ nhiều vụ việc, các đối tượng thường sử dụng chiêu thức có tổ chức, phân công vai trò rõ ràng và áp dụng kịch bản lừa đảo qua 2 giai đoạn chính:

1. Giai đoạn tiếp cận nạn nhân

Đầu tư qua sàn Subbex, người phụ nữ ở Hạ Long nạp 2,4 tỷ đồng nhưng không thể rút lại: Chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 2
Các đối tượng thường giả danh, tiếp cận nạn nhân bằng cách làm quen, kết bạn qua mạng xã hội. Ảnh minh họa

Các đối tượng thường thu thập thông tin cá nhân của nạn nhân qua các gói dữ liệu bị mua bán trái phép, hoặc từ mạng xã hội như Facebook, Zalo. Mục tiêu nhắm đến là những người có điều kiện kinh tế, sống độc thân hoặc đang gặp khó khăn về tinh thần.

Chúng tham gia các nhóm liên quan đến tài chính, chứng khoán, bất động sản… để tìm “con mồi”, sau đó tiếp cận bằng cách kết bạn, tương tác trên bài đăng, giả vờ quan tâm, dần tạo dựng sự thân thiết để chiếm lòng tin.

2. Giai đoạn dụ dỗ đầu tư và chiếm đoạt tài sản

Đầu tư qua sàn Subbex, người phụ nữ ở Hạ Long nạp 2,4 tỷ đồng nhưng không thể rút lại: Chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 3
Nạn nhân sẽ bị các đối tượng dụ dỗ nạp tiền đầu tư. Ảnh minh họa

Sau khi tạo dựng mối quan hệ, các đối tượng sẽ chuyển cuộc trò chuyện sang ứng dụng bảo mật như Telegram, Zalo để “diễn kịch”. Chúng giả vờ là những người thành đạt, sống ở nước ngoài, có người thân làm trong các sàn giao dịch tài chính quốc tế và biết được lỗ hổng của hệ thống để khai thác lợi nhuận.

Nạn nhân được hướng dẫn dùng thử tài khoản “dự án” để trải nghiệm lợi nhuận ảo. Khi đã tin tưởng, nạn nhân sẽ được hướng dẫn mở tài khoản thật và liên tục nộp tiền đầu tư. Ban đầu hệ thống cho rút được một khoản nhỏ để tạo niềm tin, nhưng đến khi số tiền lớn được nộp vào thì sàn sẽ khóa tài khoản, ngắt liên lạc hoặc yêu cầu nộp thêm tiền để rút được tiền cũ.

Trong vụ việc bà H., cũng như hàng loạt nạn nhân khác, thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng vẫn rất hiệu quả bởi dựa trên yếu tố tâm lý, tình cảm và sự nhẹ dạ của người tham gia.

Khuyến cáo từ Cơ quan Công an

Trước những thủ đoạn trên, Cơ quan Công an khuyến cáo:

Người dân cần nâng cao cảnh giác khi tham gia đầu tư chứng khoán, đa cấp, tiền ảo trên các nền tảng trực tuyến không rõ ràng, có dấu hiệu giả mạo.

Chỉ đầu tư vào những sàn giao dịch chính thống, đã được Nhà nước cấp phép và có văn phòng, thông tin minh bạch.

Không chia sẻ thông tin cá nhân cho người lạ trên mạng xã hội; không làm theo hướng dẫn từ những cá nhân chưa rõ danh tính, đặc biệt là các hành vi yêu cầu chuyển tiền, cài đặt ứng dụng lạ.

Khi nghi ngờ bị lừa đảo, người dân nên nhanh chóng trình báo với Cơ quan Công an, đồng thời liên hệ với ngân hàng quản lý tài khoản để ngăn chặn thiệt hại kịp thời.

Vụ việc của bà H. một lần nữa là lời cảnh tỉnh cho những người đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trên mạng. Trong thời đại số, sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết có thể khiến bất kỳ ai trở thành nạn nhân của tội phạm mạng, đặc biệt khi các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, có tổ chức và đánh đúng vào điểm yếu tâm lý của người dùng.

>> Nữ Giám đốc Đỗ Thị Thu chiếm đoạt hàng tỷ đồng bằng cách lừa đảo sinh viên, phụ huynh: Cơ quan Công an vạch trần chiêu trò mới!

Phát hiện thủ đoạn giả mạo con dấu, chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính để lừa đảo

Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo sử dụng tài khoản ngân hàng 'trùng tên' để chiếm đoạt tài sản

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/dau-tu-qua-san-subbex-nguoi-phu-nu-o-ha-long-nap-24-ty-dong-nhung-khong-the-rut-lai-chuyen-gi-da-xay-ra-140671.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đầu tư qua sàn Subbex, người phụ nữ ở Hạ Long nạp 2,4 tỷ đồng nhưng không thể rút lại: Chuyện gì đã xảy ra?
    POWERED BY ONECMS & INTECH