Đây là tỉnh nhỏ nhất Việt Nam hiện tại nhưng giàu top đầu cả nước sau sáp nhập
Với việc sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ có quy mô kinh tế hợp nhất đạt 439.800 tỷ đồng, đứng thứ 5 cả nước.
Hiện các cơ quan chức năng đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Đề án sắp xếp hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang . Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương đã đề xuất phương án hợp nhất hai địa phương này, lấy tên tỉnh là Bắc Ninh, với trung tâm chính trị – hành chính đặt tại Bắc Giang.
Nhìn lại lịch sử, việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh không phải là điều chưa từng có. Giai đoạn 1962 – 1996, hai tỉnh từng được sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc. Sau đó, từ ngày 1/1/1997, Bắc Ninh và Bắc Giang được tái lập thành hai đơn vị hành chính riêng biệt. Trải qua gần ba thập kỷ phát triển độc lập, cả hai địa phương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.
Trước khi có chủ trương sáp nhập , Bắc Ninh và Bắc Giang đều được đánh giá là những địa phương đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa, có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Riêng năm 2024, Bắc Ninh – dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước – lại xếp thứ 9 về quy mô kinh tế, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 232.800 tỷ đồng, tăng 6,03% so với năm trước. Bước sang quý I/2025, kinh tế tỉnh này ghi nhận dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ khi GRDP tăng 9,64% so với cùng kỳ.
GRDP bình quân đầu người năm 2024 của Bắc Ninh ước đạt 150,5 triệu đồng/người (tương đương 6.010 USD/người), cao gấp 1,3 lần mức bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, trong đó khu vực Công nghiệp – Xây dựng chiếm 70,3%; Dịch vụ chiếm 22,34%...

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 33.169 tỷ đồng, trong khi chi ngân sách địa phương là 21.046 tỷ đồng. Kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính đạt khoảng 75,9 tỷ USD.
Đặc biệt, Bắc Ninh cũng từng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo quyết định ban hành ngày 22/8/2024, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải mở rộng không gian phát triển.

Tỉnh Bắc Giang dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 và quý I/2025, với mức tăng hơn 13%. Bắc Giang hiện có diện tích tự nhiên 3.895,89km² và dân số 2.057.918 người.
Năm 2024, GRDP của tỉnh đạt 207.000 tỷ đồng, tăng trưởng 13,87%, đứng đầu cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 4.370 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa rõ nét: Công nghiệp – Xây dựng chiếm 67,5%; Dịch vụ 20,7%; Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản 11,8%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 20.699,5 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 60 tỷ USD. Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp và 55 cụm công nghiệp với tổng diện tích 6.013ha, tạo việc làm cho 342.000 lao động, trong đó có khoảng 90.000 lao động từ các tỉnh khác – cho thấy tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ.
Với việc sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ có quy mô kinh tế hợp nhất đạt 439.800 tỷ đồng, đứng thứ 5 cả nước – chỉ sau TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Nai.

Bên cạnh tiềm năng kinh tế, hai tỉnh còn gắn kết bởi những giá trị văn hóa – lịch sử sâu sắc và tương đồng. Cả Bắc Giang và Bắc Ninh đều thuộc vùng đất Kinh Bắc xưa, nơi sản sinh ra Di sản Văn hóa phi vật thể Quan họ, hệ thống lễ hội truyền thống và kho tàng văn hóa Bắc Bộ đậm đà bản sắc.
Về hành chính, hai địa phương đã từng nhiều lần hợp nhất – chia tách trong lịch sử. Bắc Giang từng thuộc Bắc Ninh trước khi tách thành tỉnh riêng vào cuối thế kỷ XIX. Lần hợp nhất lần này được xem là phù hợp với truyền thống và đặc điểm của 2 tỉnh, với tinh thần đồng thuận cao từ nhân dân.
Việc sáp nhập Bắc Giang và Bắc Ninh không đơn thuần là một quyết định hành chính mà là bước đi chiến lược mở đầu cho mô hình phát triển mới. Sự hợp nhất nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng, tăng khả năng cạnh tranh và tối ưu hóa nguồn lực phát triển.