Xã hội

Vùng đất sẽ trở thành thủ phủ mới của Hải Phòng và Hải Dương sau sáp nhập: ‘Thành phố trong thành phố’ đầu tiên của miền Bắc, được bao quanh bởi 5 dòng sông

Thái Hà 21/04/2025 06:28

Thành phố này sở hữu vị trí then chốt về kinh tế, chính trị và quốc phòng, được xem là cửa ngõ quan trọng mở ra vịnh Bắc Bộ.

Theo Đề án, tỉnh Hải Dương TP. Hải Phòng sẽ được sáp nhập thành một thành phố trực thuộc Trung ương, với tên gọi là TP. Hải Phòng. Trung tâm hành chính - chính trị sẽ đặt tại TP. Thủy Nguyên, thuộc địa giới hiện nay của TP. Hải Phòng.

Sau khi sáp nhập, đơn vị hành chính mới sẽ có diện tích tự nhiên 3.194,7km² và quy mô dân số đạt 4.102.700 người.

Vùng đất giàu lịch sử

Theo Cổng thông tin Đối ngoại đa ngôn ngữ TP. Hải Phòng, vùng đất Thủy Nguyên đã tồn tại từ xa xưa, từng có tên gọi là Giang Nam Triệu, sau đó đổi thành Thủy Đường.

Nơi đây có phần núi được xếp vào loại cổ nhất của Hải Phòng, minh chứng là các di chỉ khảo cổ như Tràng Kênh, Việt Khê… Trong khi đó, phần đồng bằng hình thành từ sau Công nguyên.

Vùng đất sẽ trở thành thủ phủ mới của Hải Phòng và Hải Dương sau sáp nhập: ‘Thành phố trong thành phố’ đầu tiên của miền Bắc, được bao quanh bởi 5 dòng sông - ảnh 1
Khu di tích Bạch Đằng Giang. Ảnh: Đức Nghĩa

Thủy Nguyên cũng là vùng đất đã chứng kiến nhiều trận chiến hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tiêu biểu là 3 chiến thắng trên dòng sông Bạch Đằng . Năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán; năm 981, Lê Đại Hành phá tan quân Tống xâm lược và đến năm 1288, Trần Hưng Đạo đại thắng quân Nguyên - Mông.

Những trận thủy chiến này đều có chung một “bí quyết” chiến thắng: những cọc gỗ được cắm sẵn dưới lòng sông. Kẻ thù đã 3 lần đại bại nơi đây - đúng như câu nói: “Cây rừng hóa chông, con nước hóa thành đồng”. Những bãi cọc Bạch Đằng chính là biểu tượng rực rỡ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt.

Vùng đất sẽ trở thành thủ phủ mới của Hải Phòng và Hải Dương sau sáp nhập: ‘Thành phố trong thành phố’ đầu tiên của miền Bắc, được bao quanh bởi 5 dòng sông - ảnh 2
Bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh: Cổng TTĐT TP. Hải Phòng

Ngoài bãi cọc Bạch Đằng Giang nổi tiếng, Thủy Nguyên còn có bãi cọc Cao Quỳ - di tích kết nối giữa quá khứ oai hùng với hiện tại. Khu bảo tồn này rộng hơn 30.600m² nằm trên cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê và là một phần của Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Bạch Đằng Giang.

Có 18 cọc gỗ được bảo tồn nguyên trạng trong hồ nước xây kè, xử lý chống thấm. Các cọc có kích thước và hướng cắm khác nhau, được sắp xếp không đồng đều. Theo đánh giá sơ bộ của giới khoa học, đây nhiều khả năng là một phần của trận địa thủy chiến năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Phát hiện quan trọng này vào năm 2019 đã thúc đẩy các nhà khảo cổ mở rộng khai quật và tiếp tục phát hiện thêm bãi cọc Đầm Thượng, thuộc xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên - cách Cao Quỳ khoảng 10km.

Bãi cọc mới nằm ven sông Đá Bạc, được cho là điểm chặn tiêu diệt quân Nguyên rút lui năm 1288. Tại đây, trên diện tích gần 400m², các nhà khảo cổ đã phát hiện 37 cọc gỗ cùng nhiều mảnh gỗ rời. Cọc dài nhất 2,87m, đường kính lớn nhất 32cm. Các cọc đa phần cắm thẳng đứng xuống bùn lầy, đan xen giữa cọc lớn và nhỏ, nhiều chiếc còn nguyên dấu vết mộng gỗ sơ sài ở phần gốc.

Trung tâm Chính trị - Hành chính của Hải Phòng

Vùng đất sẽ trở thành thủ phủ mới của Hải Phòng và Hải Dương sau sáp nhập: ‘Thành phố trong thành phố’ đầu tiên của miền Bắc, được bao quanh bởi 5 dòng sông - ảnh 3
Thủy Nguyên là vùng đất nằm bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, từ lâu đã nổi danh với địa thế “tựa sơn hướng thủy” độc đáo. Ảnh: Cổng TTĐT TP. Thủy Nguyên

Thủy Nguyên được bao bọc bởi hệ thống sông ngòi và biển cả, tạo thành thế phòng thủ tự nhiên bốn bề: phía Bắc là sông Bạch Đằng và Đá Bạch, phía Nam là sông Cấm, phía Tây có sông Kinh Thầy và sông Hàn Mấu, còn phía Đông tiếp giáp một phần với biển.

Với vị trí then chốt về kinh tế, chính trị và quốc phòng, Thủy Nguyên được xem là cửa ngõ quan trọng mở ra vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, kể từ ngày 1/1/2025, TP. Thủy Nguyên chính thức được thành lập, dựa trên toàn bộ diện tích 269,10km² và dân số 397.570 người của huyện Thủy Nguyên. Cột mốc này đưa Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên ở miền Bắc và thứ hai trên cả nước sau TP. HCM - sở hữu mô hình “thành phố trong thành phố”.

Hiện nay, Thủy Nguyên là nơi đặt 3 khu công nghiệp quy mô lớn, trong đó VSIP và Nam Cầu Kiền đã đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần không nhỏ vào ngân sách địa phương. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ các khu công nghiệp trên địa bàn ước đạt khoảng 20 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động.

Riêng trong năm 2024, thu ngân sách Nhà nước tại Thủy Nguyên ước đạt 8.953 tỷ đồng - nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu toàn TP. Hải Phòng.

Trong định hướng phát triển lâu dài, TP. Hải Phòng đã từ hàng chục năm trước chú trọng đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại Thủy Nguyên.

Vùng đất sẽ trở thành thủ phủ mới của Hải Phòng và Hải Dương sau sáp nhập: ‘Thành phố trong thành phố’ đầu tiên của miền Bắc, được bao quanh bởi 5 dòng sông - ảnh 4
Cầu Hoàng Văn Thụ kết nối Thủy Nguyên với trung tâm TP. Hải Phòng. Ảnh: Internet

Nổi bật là hệ thống giao thông liên vùng với các công trình trọng điểm như cầu Bính, cầu Kiền, cầu Hoàng Văn Thụ giúp kết nối Thủy Nguyên với trung tâm TP. Hải Phòng. Các cây cầu mới như Nguyễn Trãi và Vũ Yên vẫn đang tiếp tục được xây dựng, góp phần hoàn thiện sự kết nối giữa Khu đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ VSIP Hải Phòng với Khu đô thị Bắc Sông Cấm và đảo Vũ Yên, tạo lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của Thủy Nguyên.

Mạng lưới liên kết vùng ngày càng bền chặt với các trung tâm kinh tế trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Dương và các quận nội thành Hải Phòng, biến Thủy Nguyên thành đầu mối giao thương sôi động, nơi hình thành hệ sinh thái đa dạng về công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ.

Một dấu ấn quan trọng thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ của Thủy Nguyên là việc xây dựng Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị, Biểu diễn thành phố với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Vùng đất sẽ trở thành thủ phủ mới của Hải Phòng và Hải Dương sau sáp nhập: ‘Thành phố trong thành phố’ đầu tiên của miền Bắc, được bao quanh bởi 5 dòng sông - ảnh 5
Phối cảnh tổng thể Trung tâm Chính trị - Hành chính TP. Hải Phòng nằm trong Khu đô thị Bắc Sông Cấm. Ảnh: Internet

Đáng chú ý, công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính TP. Hải Phòng được thiết kế mô phỏng hình ảnh con tàu vươn khơi, biểu trưng cho khát vọng phát triển và hội nhập quốc tế của thành phố đầu sóng ngọn gió.

Với diện tích hơn 29.000m² và tổng diện tích sàn trên 89.500m², công trình gồm hai khối nhà cao 14 tầng cùng 12 khối nhà thấp tầng bố trí đối xứng theo hai trục Bắc - Nam và Đông - Tây, được xem là dự án có quy mô lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng hiện nay.

Lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng cho biết, dự kiến đến tháng 5/2025, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hải Phòng cùng với các cơ quan của thành phố sẽ chuyển sang Trung tâm Chính trị - Hành chính mới để làm việc.

>> Sau sáp nhập, đây là thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất nhưng giàu có top đầu Việt Nam

Vùng đất sẽ trở thành thủ phủ mới của Đà Nẵng và Quảng Nam sau sáp nhập: Quận đáng sống trong lòng TP đáng sống, sở hữu cầu Rồng thép 9.000 tấn ấn tượng nhất thế giới

Vùng đất có thể trở thành thủ phủ của Hưng Yên và Thái Bình sau sáp nhập: Từng là đô thị cổ có thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất đất Bắc, nay ‘lột xác’ thành thành phố trẻ văn minh

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/vung-dat-se-tro-thanh-thu-phu-moi-cua-hai-phong-va-hai-duong-sau-sap-nhap-thanh-pho-trong-thanh-pho-dau-tien-cua-mien-bac-duoc-bao-quanh-boi-5-dong-song-140852.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vùng đất sẽ trở thành thủ phủ mới của Hải Phòng và Hải Dương sau sáp nhập: ‘Thành phố trong thành phố’ đầu tiên của miền Bắc, được bao quanh bởi 5 dòng sông
    POWERED BY ONECMS & INTECH