Đề án siêu cảng 129.000 tỷ lớn nhất Việt Nam có diễn biến mới
Đề án Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP. HCM đã vượt qua vòng thẩm định của Bộ GTVT để trình lên Thủ tướng xem xét thông qua theo đúng lộ trình.
Sau 2 vòng tiến hành thẩm định nghiêm túc, mới đây Bộ GTVT đã có Báo cáo số 9008/BC-BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định Đề án Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP. HCM.
Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm thực hiện chủ trương xây dựng dự án cảng biển trung chuyển lớn nhất Việt Nam được thông qua.
Theo trình tự, việc phê duyệt đầu tư dự án hạ tầng cảng biển này sẽ được cấp có thẩm quyền thông qua sau khi Đề án Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP. HCM được phê duyệt.
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Đề án Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có đủ cơ sở pháp lý để lập, được lập phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
>> Hệ lụy từ việc giá đất vùng ven bị 'thổi giá' 
Tuy nhiên, nội dung Đề án cũng như các đề xuất của UBND TP. HCM trong Đề án thuộc nhiều lĩnh vực, một số lĩnh vực không thuộc chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT. Do đó, Đề án đã được UBND TP. HCM gửi xin ý kiến các Bộ, địa phương liên quan, được chuyên gia, nhà khoa học và Hội đồng Thẩm định tổ chức họp và cho ý kiến.
Bộ GTVT cơ bản thống nhất với các mục tiêu của Đề án với trọng tâm là thúc đẩy và phát triển khu bến cảng Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế; thu hút các hãng vận tải có thương hiệu; sớm đưa khu vực cửa sông Cái Mép thành trung tâm trung chuyển quốc tế...
Vì đang ở bước lập Đề án nên Bộ GTVT cơ bản đã thống nhất về việc Đề án chỉ xây dựng nội dung nhận diện sơ bộ tác động của môi trường.
Do Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển lớn của thế giới, đã được UNESCO công nhận, nên tại các bước triển khai tiếp theo, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. HCM tiến hành nghiên cứu và đánh giá đầy đủ, toàn diện, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.
Ngoài ra, việc phát triển khu bến Cần Giờ cũng cần đảm bảo các yêu cầu về cảng biển xanh, giảm phát thải và thân thiện với môi trường.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 129.000 tỷ đồng do Tập đoàn MSC - hãng tàu container top đầu thế giới đề xuất đầu tư; tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km.
Cảng sẽ được xây dựng trên tổng diện tích ước tính khoảng 571ha, gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật...
Dự kiến sau khi đi vào hoạt động khu cảng sẽ đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm nếu khai thác hết công suất.
>> Sau cơn sốt đất vùng ven: Khó xác định được hành vi đầu cơ, 'thổi giá'?