Đề nghị phê duyệt liên danh Sơn Hải làm chủ đầu tư cao tốc Dầu Giây - Tân Phú 8.500 tỷ
Tổng mức đầu tư dự án đã được điều chỉnh xuống còn hơn 8.490 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư chiếm hơn 7.190 tỷ đồng, vốn Nhà nước ở mức 1.300 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Báo Giao thông, Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa trình Bộ Xây dựng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú  giai đoạn 1 theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án này do Bộ Xây dựng (trước đây là Bộ Giao thông Vận tải) làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bộ đã ủy quyền cho Cục Đường bộ Việt Nam là đơn vị ký kết hợp đồng dự án.
Trên cơ sở đánh giá hồ sơ dự thầu, Ban QLDA Thăng Long kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt liên danh Xây dựng phát triển hạ tầng giao thông Trường Hải - Sơn Hải là nhà đầu tư thực hiện Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo quyết định phê duyệt dự án trước đó của Bộ GTVT, tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 sẽ được triển khai theo phương thức PPP, với tổng chiều dài hơn 60km. Điểm đầu tại Km0+000, giao với Quốc lộ 1 (kết nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây), thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Km60+243,83, giao với Quốc lộ 20, kết nối với dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (Lâm Đồng), thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Ban đầu, tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt hơn 8.981 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.681 tỷ đồng. Vốn Nhà nước tham gia khoảng 1.300 tỷ đồng, được bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021–2025.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2025, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xuống còn hơn 8.490 tỷ đồng, tức giảm gần 500 tỷ đồng so với phương án trước đó. Trong đó, vốn nhà đầu tư chiếm hơn 7.190 tỷ đồng, vốn Nhà nước hỗ trợ giữ nguyên ở mức 1.300 tỷ đồng. Đặc biệt, thời gian hoàn vốn cũng được rút ngắn đáng kể, từ 18 năm 2 tháng xuống còn 16 năm 11 tháng.
Về quy mô, dự án sẽ được xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100 trong giai đoạn 1, với 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Riêng các đoạn nền đất yếu, cầu và đoạn dừng khẩn cấp sẽ được xây dựng theo quy mô hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 24,75m. Khi hoàn thiện, tuyến cao tốc này sẽ có vận tốc thiết kế 100 km/h, với nền đường rộng 24,7m, 4 làn xe.
Dự án được kỳ vọng sẽ giúp đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải cho Quốc lộ 20, đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời khai thác hiệu quả trục giao thông cao tốc TP. HCM – Dầu Giây – Liên Khương. Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1 dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
>>Tập đoàn Sơn Hải 'lên tiếng' về tình trạng khó khăn do khan hiếm vật liệu xây dựng 
Tập đoàn Sơn Hải 'lên tiếng' về tình trạng khó khăn do khan hiếm vật liệu xây dựng 
CEO Tập đoàn Sơn Hải 'hiến kế' để giúp doanh nghiệp thực hiện dự án thuận lợi hơn