Đề xuất chính sách hỗ trợ người trồng đào, quất bị ảnh hưởng do bão Yagi
Sau khi đại biểu HĐND quận Tây Hồ đã đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân trồng đào, quất trên địa bàn quận, Sở Tài chính cho biết sẽ xem xét trình cơ chế đặc thù, tăng thêm so với nghị quyết của Chính phủ và quyết định của UBND TP. Hà Nội.
Khi thảo luận về Nghị quyết Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông góp phần khắc phục hậu quả của cơn bão số 3  trên địa bàn Hà Nội trong phiên làm việc sáng 4/10 (kỳ họp chuyên đề của HĐND TP. Hà Nội), đại biểu Lê Thị Thu Hằng (quận Tây Hồ) nêu ý kiến, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn quận có 65ha/99ha diện tích cây đào bị mất trắng (chiếm 65,4%); có trên 27,5/tổng số 30ha quất bị thiệt hại (chiếm trên 90%).
Riêng cây đào thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng, thiệt hại với cây quất là 25 tỷ đồng. Quận đã báo cáo đề xuất và gửi về Sở NN&PTNT hỗ trợ 60 triệu đồng/ha với hoa đào; hỗ trợ 90 triệu đồng/ha quất.
Đại biểu nêu ý kiến trên cơ sở quy định tại Nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bênh, tại khoản 6, điều 5 nêu: Các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa đưa trong quy định tại điều 1,2,3,4, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và nhu cầu của địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.
Đại biểu Lê Thị Thu Hằng đề xuất ở nghị quyết này quy định giao cho các địa phương. Với quận Tây Hồ hoàn toàn có thể có điều kiện về ngân sách để áp dụng mức hỗ trợ phù hợp. Vì vậy, quận Tây Hồ mong muốn có cơ chế để quận thực hiện hỗ trợ trong mùa Đông Xuân này.
(TyGiaMoi.com) - Sẽ xem xét trình cơ chế đặc thù
Theo Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách (HĐND TP. Hà Nội) Hồ Vân Nga, đề xuất của quận Tây Hồ là chính xác, vì có thể quận không cần nguồn tiền hỗ trợ của Thành phố nhưng cần cơ chế cho phép của HĐND. Điều này là do HĐND cấp tỉnh mới được quyết các nội dung mức chi vượt trên mức chi đã quy định của địa phương mà phù hợp với yêu cầu, khả năng ngân sách của địa phương.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách đồng tình với đề xuất của đại biểu quận Tây Hồ và đề nghị sớm xem xét cơ chế để quận kịp thời hỗ trợ người dân; đồng thời với các địa phương khác HĐND cũng xem xét quyết nghị nội dung này.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, Nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND của UBND Thành phố về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn TP đã có, là cơ chế chung cho các địa phương. Sở Tài chính đã cấp bổ sung kinh phí dự phòng cho các quận, huyện để thực hiện nội dung này cùng với khắc phục hậu quả cơn bão.
Nội dung được trình tại kỳ họp này là trình cơ chế hỗ trợ đặc thù theo Luật Thủ đô với đối tượng hỗ trợ theo đề xuất của Sở NN&PTNT là cây vụ Đông, không có hỗ trợ cây đào, quất. Cây vụ Đông có 2 nhóm là ảnh hưởng của cơn bão và để chuẩn bị sản lượng lương thực bị thiếu hụt khi bão, lũ đi qua. Hỗ trợ này để bà con trồng cây vụ Đông năm 2024.
Với đề xuất của đại biểu Lê Thị Thu Hằng, Sở Tài chính thống nhất với Ban Kinh tế-Ngân sách, sẽ xem xét trình cơ chế đặc thù, tăng thêm so với nghị quyết của Chính phủ và quyết định của UBND TP. Hà Nội.
(TyGiaMoi.com) - Địa phương chủ động bố trí ngân sách, thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại để hỗ trợ
Trao đổi về nội dung này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, theo chương trình hỗ trợ của Nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì các địa phương đều khó khăn vì mức hỗ trợ thấp. Vì mức giá thấp nên Sở đã cùng các ngành, chủ trì họp bàn giải pháp khắc phục ngay.
Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND triển khai 5 giải pháp đồng bộ, trong đó có những nội dung hỗ trợ trực tiếp, có những nội dung tạo điều kiện để có giải pháp. UBND TP. Hà Nội đã có 5 quyết định hỗ trợ các địa phương ngay với số tiền 220 tỷ đồng; bổ sung ngay 1.200 tỷ đồng cho 4 quỹ của Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ Hội Nông dân, quỹ Khuyến nông, quỹ của Liên minh Hợp tác xã để cho vay...
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, với chính sách hỗ trợ phát triển cây vụ Đông thì không phải hỗ trợ thiệt hại do cơn bão mà vì thiếu hụt nhiều lương thực, thực phẩm từ nay đến tết Nguyên đán. Nếu áp dụng chính sách này sẽ đạt khoảng 400 nghìn tấn phục vụ kịp thời nhu cầu dịp Tết.
Hiện mức hỗ trợ theo nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ với cây trồng tối đa là 2 triệu đồng/ha; với vật nuôi là 6 triệu đồng/ha. Mức hỗ trợ này rất thấp nên vừa qua Bộ NN&PTNT đã trình Bộ Tư pháp sửa Nghị quyết này, theo đó đề xuất mức hỗ trợ tối đa với cây trồng là 60 triệu đồng.
Sở NN&PTN Hà Nội đang căn cứ vào Luật Thủ đô để xây dựng chính sách đồng bộ trong định hướng phát triển nông nghiệp, trong đó lồng nội dung chính sách hỗ trợ này vào. Theo Luật Thủ đô, thời gian tới Hà Nội sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ cao hơn của Trung ương, Sở NN&PTNT đang xây dựng, sẽ trình HĐND TP tại kỳ họp cuối năm.
Đối với nội dung mà quận Tây Hồ đề xuất, Giám đốc Sở NN&PTN Hà Nội cho biết, theo Nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ, địa phương sẽ chủ động bố trí ngân sách; thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại để có hỗ trợ.
(TyGiaMoi.com) - Đề nghị trình chính sách đặc thù này vào kỳ họp chuyên đề tháng 11/2014
Điều hành kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhận định, qua thảo luận không chỉ có ý kiến của đại biểu Lê Thị Thu Hằng, còn có nhiều đại biểu ở các quận, huyện, đặc biệt khối huyện - nhất là khu vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, không phải ngoài danh mục cây ngô, đậu tương... mà còn hàng loạt cây sản xuất có giá trị hàng hóa cao khác (như cam canh, phật thủ, đào, quất bưởi...) cần cân nhắc xem xét.
Tuy nhiên trong thời gian ngắn, UBND Thành phố mới đề xuất theo Nghị quyết của Chính phủ. Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đã trình HĐND ở mức hỗ trợ cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và nguồn lực của Thành phố được phép thực hiện theo Luật Thủ đô.
Với kiến nghị của đại biểu quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Phùng Thị Hồng Hà đề nghị, UBND Thành phố tiếp tục rà soát và khẩn trương tổng hợp, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và gửi đến HĐND sau khi có ý kiến thống nhất từ Ban Thường vụ Thành ủy.
Trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình hỗ trợ cho các cơ sở, người dân bị ảnh hưởng cơn bão số 3, cố gắng hỗ trợ ở mức tối đa, nhanh nhất để hỗ trợ đồng bào, các hộ sản xuất nông nghiệp khắc phục hậu quả.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND cũng đề nghị đề nghị trình nội dung này đến HĐND muộn nhất tại kỳ họp chuyên đề tháng 11/2024 để kịp thời hỗ trợ người dân ổn định sản xuất.
>> Hàng trăm người trồng đào, quất Nhật Tân trắng tay sau trận lũ lịch sử ở Hà Nội