Trong phiên họp tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội vào sáng ngày 23/5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề xuất chuyển nhà tái định cư thành nhà ở xã hội, nhà cho thuê.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) cho biết, khi đi qua đoạn đường Hoàng Mai, ông thấy nhiều căn hộ chung cư từng dùng làm bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 bị bỏ không thời điểm hiện tại. Trong khi đó, khu vực cầu Chương Dương sang Gia Lâm cũng có hàng loạt chung cư và căn hộ tái định cư trong tình trạng bị bỏ hoang.
Theo ông Hiếu, với thực trạng hơn 14.200 căn chung cư chưa sử dụng tại Hà Nội và hơn 14.000 căn tái định cư tại TP. HCM trong tình trạng bỏ không thì điều này gây lãng phí lớn trước bối cảnh giá chung cư đang tăng cao.
"Chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, có thể đấu giá hoặc chuyển mục đích sử dụng sang nhà ở xã hội  hoặc cho thuê", ông Hiếu phát biểu.
Trước ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhà tái định cư cũng được xem là tài sản của nhà nước nên các quy định cũng như thủ tục cần phải thực hiện theo luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay cơ quan quản lý vẫn đang tính toán cơ chế nhằm đề xuất chuyển đổi các khu tái định cư sang nhà ở xã hội, theo báo Vnexpress.
>> Chính sách mới hỗ trợ về nhà ở cho người nghèo, người có công: ‘Không để ai bỏ lại phía sau’
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank đề xuất Thủ đô nên đầu tư vào nhà ở xã hội sau đó cho thuê dài hạn. Theo ông Ấn, điều này sẽ giải quyết bài toán nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, công nhân.
"Nếu Nhà nước được quyền phát hành trái phiếu thì lãi suất rất thấp, chỉ 3-4% và người dân thuê nhà cũng có giá hấp dẫn. Khi có lãi suất tốt, có thể xây được khu nhà ở xã hội với đầy đủ hạ tầng, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân", ông Ấn chia sẻ.
Dựa trên báo cáo của các địa phương, trên cả nước hiện có hơn 500 dự án nhà ở xã hội và đã được triển khai với quy mô 418.000 căn. Con số này dự kiến sẽ tăng thêm 4 dự án với 6.950 căn so với báo cáo giữa tháng 3.
Dù vậy, nhiều người dân vẫn phản ánh về tình trạng khó tiếp cận các thông tin về dự án.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho biết, thị trường BĐS hiện nay đang thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình, hợp với khả năng tài chính của người dân, đặc biệt nhà ở xã hội đang rất thiếu, trong khi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội đang có tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Bà Yên đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan do "chính sách đề ra ra là rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng lại chậm được triển khai thực hiện”, trong khi người dân rất mong mỏi về nhà ở, theo báo Pháp luật TP. HCM.
Trong khi đó, liên quan đến gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã rút gọn điều kiện cho doanh nghiệp vay.
Theo đó, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (BIDV, Agribank, VietinBank và VietcomBank) thì TPBank, VPBank đã đăng ký tham gia, mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng thương mại đã giải ngân được 1.144 tỷ đồng, gồm 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư và 11 tỷ đồng cho người mua nhà.
Trước thực trạng nhiều tỉnh, thành phố lớn tập trung nhiều KCN như Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Long An... có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội thấp so với mục tiêu của đề án, việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn diễn ra khá chậm, nhiều doanh nghiệp đầu tư vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai.
Dưới góc nhìn của một số chuyên gia, việc chuyển đổi dự án tái định cư thành nhà ở xã hội được cho là hướng đi hay, nếu vận dụng được sẽ tạo được nguồn lực cho xã hội, tạo cơ hội cho những người có thu nhập thấp có thể "chạm tay" tới nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở hiện nay.
Nhưng về bản chất đây là hai loại hình nhà ở có sự khác biệt, do đó việc đảm bảo tiêu chuẩn khi chuyển đổi cũng được xem là vấn đề cần được cân nhắc.
>> Bất ngờ về 'cỗ máy' đứng sau liên danh thực hiện dự án nhà ở xã hội hơn 2.085 tỷ tại Lào Cai