Đề xuất cơ chế giá điện mới công bằng hơn, áp dụng từ 2025?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa báo cáo Bộ Công Thương về Đề án “Xây dựng hệ thống giá bán điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng) và lộ trình áp dụng cho ngành Điện Việt Nam”.
Trong đó EVN cho biết, đơn vị tư vấn cho rằng phương án lý tưởng nhất để áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần là từ 1/1/2025, nếu như giai đoạn thử nghiệm được triển khai và kết thúc như dự kiến.
Đối tượng hướng đến trước mắt là các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất mua trực tiếp từ EVN (khách hàng sản xuất) gồm: tại cấp cao áp (từ 110 kV trở lên), trung áp (từ 6 kV đến dưới 110 kV), hạ áp (dưới 6 kV).
Theo quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP, Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg việc áp dụng giá điện hai thành phần, lộ trình thực hiện và đối tượng áp dụng cần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ Công Thương hướng dẫn.
Tập đoàn này cho rằng, việc thay đổi cơ chế tính giá điện như hiện nay là một thành phần thành cơ chế giá điện hai thành phần cần được xem xét kỹ lưỡng, có lộ trình phù hợp.
Thực tế, giai đoạn vừa qua đối với cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) áp dụng cho một số đối tượng khách hàng, chưa thực hiện cho toàn bộ hệ thống. Do đó, việc lựa chọn nhóm khách hàng thuộc cơ chế DPPA tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP là thận trọng, có thể xem xét trong giai đoạn hiện nay.
Theo đề xuất đơn vị tư vấn, giá cố định sẽ điều chỉnh theo CPI; và giá biến đổi sẽ điều chỉnh theo mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Tuy nhiên, EVN cho rằng hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo cơ chế quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc giá cố định hàng năm tự động điều chỉnh là chưa phù hợp.
EVN đề nghị xem xét theo hướng giá công suất và giá điện năng sẽ điều chỉnh bằng với tỷ lệ điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và phạm vi điều chỉnh là ± 2% so với tỷ lệ tại biểu giá điện hai thành phần (tương tự như tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg).
Theo EVN, việc cải cách cơ chế giá bán lẻ điện nhìn chung cần được xem xét trong thời điểm Việt Nam đang chuyển đổi sang cơ chế thị trường phát điện, bán buôn, bán lẻ điện. Việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ tác động đến các nhóm khách hàng, các hộ sử dụng điện trong đó có thể tăng hoặc giảm so với cơ chế giá một thành phần hiện nay.
"Điều này sẽ tạo ra những phản ứng trái chiều trong dư luận, dễ bị các đối tượng lợi dụng, xuyên tạc khi không nắm được bản chất sự việc. Do đó cần phải truyền thông để có thể tạo sự đồng thuận", EVN lưu ý.
Hiện Việt Nam áp dụng biểu giá điện một thành phần, tức là biểu giá điện tính theo điện năng. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng giá điện hai thành phần. Phân tích tác động của cơ chế này, ông Nguyễn Minh Đức, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng đánh giá: Thứ nhất, sẽ giảm việc bù chéo giữa các khách hàng. Bù chéo là một vấn đề mà nhiều người quan tâm. Thứ hai, tránh các khách hàng cứ đăng ký công suất lớn rồi không dùng, hoặc có nhà máy đăng ký công suất lớn, yêu cầu điện lực chuẩn bị đường dây, trạm biến áp nhưng dự án chậm tiến độ, nhiều năm trời không tiêu thụ điện. Chi phí đường dây, trạm biến áp trong những năm đó bị lãng phí. Chi phí này lại đổ lên đầu các khách hàng khác. "Ngoài ra, điều chỉnh giá sẽ linh hoạt hơn, vì giá điện năng biến đổi lớn, trong khi chi phí đầu tư thì biến đổi chậm hơn", ông Đức nói. |
Chỉ đạo mới về điều hành giá điện, tăng nhập điện từ Trung Quốc 
Điều hành giá điện theo lộ trình phù hợp, không "giật cục"