Đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng: “Liệu cơm gắp mắm”
Dư luận đồng thuận cao với đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT), đồng thời mong muốn thời gian thực hiện kéo dài hơn để có những tác động mạnh hơn, rõ ràng và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, để chính sách này phát huy tác dụng hỗ trợ nền kinh tế, mà vẫn không ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm các cân đối vĩ mô, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần tính toán thận trọng, "liệu cơm gắp mắm".
Đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp
Sau 4 lần triển khai, chính sách giảm 2% thuế GTGT cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% xuống còn 8% đã khẳng định được tính đúng đắn và hiệu quả, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT đã hỗ trợ DN và người dân khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021. Năm 2023, việc giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng cuối năm đã hỗ trợ DN và người dân khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022.
Năm 2024, số thuế GTGT được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ước khoảng 49.000 tỷ đồng. Nhờ các chính sách tài khóa hợp lý, tình hình kinh tế năm 2024 có nhiều khởi sắc, tăng trưởng kinh tế tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024 đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%).
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang rất khó khăn, DN chưa hồi phục hoàn toàn, việc tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế GTGT là cần thiết. Giải pháp này không chỉ đơn thuần hỗ trợ người dân, DN về tài chính, mà còn thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và Nhà nước.
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Tuấn Anh
Tuy vậy, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Trong khi, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xét trong bối cảnh tình hình kinh tế đất nước và tình hình DN, mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất kéo dài chính sách giảm 2% thuế GTGT thêm 6 tháng đầu năm 2025.
Chính sách trên không áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Mục tiêu là nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Đề xuất này của Bộ Tài chính nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân, cộng đồng DN và giới chuyên gia. Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam đánh giá, đề xuất giảm thuế GTGT là niềm mong mỏi, đáp ứng nguyện vọng của DN bấy lâu nay. Thực tế, các chính sách gia hạn, giảm thuế trước đó đã ngấm vào DN, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế. Cùng với đó, giúp DN phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chính sách thuế đi vào cuộc sống đã góp phần giảm chi phí cho DN, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước, trong đó người dân được hưởng lợi.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Tuấn Anh cho biết, chính sách giảm thuế GTGT  từ 10% xuống 8% được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục chính sách giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025 là hết sức cần thiết.
Tính toán thận trọng, bảo đảm thu ngân sách Nhà nước
Góp ý đối với đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT, VCCI tiếp tục bảo lưu ý kiến giảm thuế GTGT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống 8%, thay vì có một số loại trừ. Lý do là trong quá trình 4 lần triển khai trước đó, DN vẫn gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này. Các vướng mắc chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa thuộc đối tượng được giảm thuế. Mặc dù Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn, nhưng quá trình triển khai vẫn còn nhiều lúng túng.
Việc cụ thể hóa các nhóm hàng hóa, dịch vụ rất khó khăn, đặc biệt là với những trường hợp không có pháp luật chuyên ngành. Nhiều trường hợp DN tra cứu Phụ lục của những Nghị định hướng dẫn nêu trên, nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Vướng mắc này gây nhiều chi phí xã hội và làm tăng rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế GTGT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
Ngoài đề xuất giảm thuế cho tất cả các mã ngành, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thời gian thực hiện cũng không nên theo kiểu “ăn đong”, tức chỉ kéo dài 6 tháng/1 lần, mà nên dài hơi hơn để ổn định chính sách, từ đó có những tác động mạnh hơn, rõ ràng và hiệu quả hơn. Đại biểu Phan Văn Thịnh (đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang) nhìn nhận, việc đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT là cần thiết.
Tuy nhiên, Chính phủ có thể đánh giá bối cảnh nền kinh tế, thu chi ngân sách để xem xét báo cáo Quốc hội giảm 2% thuế GTGT cho cả năm 2025. Theo đại biểu Phan Văn Thịnh, việc tiếp tục giảm cả năm sẽ giúp các DN, cơ sở kinh doanh hạch toán được thuận lợi.
Ở góc độ chuyên gia thuế, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được cho rằng, việc giảm thuế GTGT cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thể hiện sự đồng hành của Nhà nước với DN, người dân. Đề xuất kéo dài thời gian thuế là mong muốn chính đáng, tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng cần căn cứ tình hình thực tế về kinh tế, DN và cán cân thu - chi để "liệu cơm gắp mắm", đưa ra quyết định giảm 6 tháng hay 1 năm. Thời gian triển khai chính sách này cũng cần xuất phát từ quy định của pháp luật, đó là giảm thuế không làm thay đổi cán cân ngân sách đã được Quốc hội duyệt.
"Thực tế, bức tranh kinh tế của nước ta đã dần đi vào ổn định, nên việc giảm 2% thuế GTGT 6 tháng là phù hợp. Sau 6 tháng, căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ có thể tiếp tục đề xuất kéo dài hay dừng chính sách này" - ông Nguyễn Văn Được nêu ý kiến.
Đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT trong 6 tháng năm 2025 là phù hợp với thực tế hiện nay, đồng thời phù hợp với quy định pháp luật, cũng như bối cảnh ngân sách. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải cân đo, đong đếm làm sao để chính sách này vừa phát huy tác dụng hỗ trợ nền kinh tế, nhưng đồng thời vẫn bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước bảo đảm các cân đối vĩ mô và các nhiệm vụ khác. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được nêu ý kiến.
>> Áp thuế GTGT phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững 
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Áp thuế GTGT phân bón 5%, nông dân được hưởng lợi! 
Áp thuế GTGT phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững