Để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, Chính phủ đề xuất Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 trong giai đoạn 2022 - 2025.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 đến ngày 15/8/2025. Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.
Việc xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần tuân thủ trình tự, thủ tục quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, Nghị quyết số 42 sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022.
Vì vậy, để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành nhưng chưa ban hành được Luật, Chính phủ đề xuất Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 trong giai đoạn 2022 - 2025.
Ngoài ra, để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn và thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 tại 1 kỳ họp vào tháng 5/2022.
Theo số liệu từ NHNN, cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%.
Tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021 từ mức 5,1% cuối năm 2020 và gần tương đương với con số cuối năm 2017 (7,4%). Đây cũng là năm Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.
BIDV đề xuất NHNN kéo dài thực hiện Thông tư 02 về cơ cấu nợ đến hết tháng 12/2024 
HoREA kiến nghị gia hạn Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu bất động sản