Đề xuất khai quật ngôi mộ nghi của Hồ Xuân Hương: Nhóm đề xuất dựa trên căn cứ nào?
Bà Nghiêm Thị Hằng (trú tại Đống Đa, Hà Nội) đại diện nhóm nghiên cứu tiếp tục đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo để phản biện, tìm ra tiếng nói chung xoay quanh thông tin về ngôi mộ cổ có minh bia 1850. Báo cáo của Bảo tàng Quảng Nam cho thấy đó là mộ cụ ông Huỳnh Hoàn Nhân, còn bà Hằng khẳng định mộ có liên quan đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Sau khi UBND tỉnh Quảng Nam ra văn bản không thống nhất với đề nghị của bà Nghiêm Thị Hằng (trú tại Đống Đa, Hà Nội) về việc khai quật ngôi mộ cổ nằm trên địa bàn tỉnh mà bà Hằng cho là có liên quan đến các giả thiết về phần mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhiều chuyên gia văn hóa cũng nhận định quan điểm mà UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra là hợp lý.
Kết quả nghiên cứu của Bảo tàng Quảng Nam cho thấy mộ bia 1850 là của ông Huỳnh Hoàn Nhân. Dòng văn bia ghi: "Đây là mộ cha tôi, con trai thứ ba của ông nội tôi, người họ Huỳnh, có tên tự là Huỳnh Hoàn Nhân".
Bà Nghiêm Thị Hằng (giữa) khảo sát ngôi mộ cổ vô thừa nhận tại tỉnh Quảng Nam vào tháng 9/2022. |
Cạnh mộ ông Huỳnh Hoàn Nhân là mộ cụ bà Phan Thị, văn bia ghi: "Đây là mộ mẹ đã khuất của chúng tôi. Bà họ Phan, là vợ cả của cha tôi là Kỳ lão họ Huỳnh".
Tuy nhiên, bà Nghiêm Thị Hằng vẫn khẳng định chưa có căn cứ khoa học để UBND tỉnh Quảng Nam bác đề xuất khai quật của nhóm nghiên cứu.
Bà Nghiêm Thị Hằng cùng nhóm nghiên cứu gồm hai thành viên khác khẳng định ngôi mộ cổ có minh bia năm 1850, nằm trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam là mộ cải cát, không phải mộ dài chôn một lần theo phong tục của các ngôi mộ cổ của vùng Tam Kỳ.
Nhóm của bà Nghiêm Thị Hằng dựa trên kiến trúc, hoa văn trên mộ để đưa ra đề xuất khai quật. |
"Quan điểm của nhóm nghiên cứu trước sau đều nhất quán, chỉ có khai quật lại lấy xương ở ngôi mộ cổ 1850 để nghiên cứu khảo cổ, mới có kết quả hài cốt nằm dưới mộ là của cụ ông Huỳnh Hoàn Nhân hay cụ nữ sĩ Hồ Xuân Hương, mộ người chết già hay người chết trẻ, chấm dứt việc tranh cãi hiện nay…", bà Nghiêm Thị Hằng nói.
Bà Nghiêm Thị Hằng cũng đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học liên quan đến ngôi mộ có minh bia năm 1850. Bà cho rằng vì nữ sĩ Hồ Xuân Hương là vợ của ông Trần Phúc Hiển - tội phạm triều đình nên trong dòng họ Trần đã có những nhánh phải đổi họ, con cháu phải thay tên.
"Phần mộ của ông Trần Phúc Hiển cũng là thay tên đổi họ và dùng mật mã, như ngôi mộ cổ minh bia 1850 mang tên cụ Huỳnh Hoàn Nhân chính là Hồ Xuân Hương", bà Nghiêm Thị Hằng nói.
Ngôi mộ cổ được cho là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. |
Nhóm nghiên cứu của bà Hằng đưa ra căn cứ kết quả giải mã những phù điêu hoa văn xung quanh lăng mộ vô chủ và nói trước cổng trụ vào lăng có hai hình xoáy ốc lớn, liên quan đến bài thơ Con ốc của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Bà cũng khẳng định có thể đưa ra hơn 20 căn cứ khác về lịch sử, văn học, văn hóa, kiến trúc xây dựng lăng mộ...
"Với những thông tin mới làm căn cứ, nhóm nghiên cứu tiếp tục đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo để nhóm nghiên cứu và các nhà khoa học của tỉnh cùng phản biện, tìm ra tiếng nói chung", bà Hằng đề xuất.
Đà Lạt chấm dứt hoạt động thuyền đạp vịt trên hồ Xuân Hương 
Quảng Nam không đồng ý khai quật ngôi mộ nghi là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương