Đề xuất phương án vốn cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Đây là dự án lớn nhất, hiện đại nhất từ trước đến nay, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67 tỷ USD, tương đương với khoảng 1,7 triệu tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành.
Báo cáo về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết định vào Kỳ họp thứ VIII. Đây là dự án lớn nhất, hiện đại nhất từ trước đến nay, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67 tỷ USD, tương đương với khoảng 1,7 triệu tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành. Một trong các vấn đề được quan tâm là phương án vốn đầu tư đang được đề xuất dành cho đại dự án này.
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam  đã được nghiên cứu từ gần 15 năm trước. Lúc đó, quy mô GDP của Việt nam mới chỉ khoảng 147 tỷ USD, con số 56 tỷ USD tổng mức đầu tư cho dự án chiếm tới 38% và đẩy tỷ lệ nợ công lên gần mức 57% GDP, là mức cao gần chạm ngưỡng cho phép.
Vấn đề thu xếp nguồn vốn cho dự án đang có chiều hướng thuận lợi hơn trong thời gian tới
Đến thời điểm này, khi nhu cầu vận tải tăng cao, quy mô nền kinh tế năm nay dự báo đạt trên 465 tỷ USD, tức là cao gấp hơn ba lần so với năm 2010, nguồn lực để đầu tư cho đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD đã không còn là trở ngại lớn.
Ông Chu Văn Tuân - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải cho biết: “Đến năm 2027, dự kiến chúng ta khởi công, quy mô kinh tế của chúng ta đạt 560 tỷ USD. Với quy mô tiềm lực nền kinh tế của chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được. Qua đánh giá tư vấn, hoàn toàn có khả năng đáp ứng được yêu cầu khả năng cân đối nguồn lực đầu tư”.
Liên quan đến hình thức và nguồn vốn đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công bằng cả vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay.
Ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam nhận định: “Hạ tầng chúng ta đang dự kiến sử dụng nguồn đầu tư công và phần phương tiện, thiết bị sẽ sử dụng vốn vay. Sau đó sẽ giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kinh doanh và trả nợ vốn vay đó. Sắp xếp này chúng tôi đã đi tham khảo, học tập ở 6 quốc gia và trên cơ cấu chi phí gần như vậy”.
Dự kiến với phương án bố trí vốn trong khoảng 12 năm. Bình quân mỗi năm sẽ cần đầu tư khoảng 5,6 tỷ USD, tức khoảng 145.000 tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành.
Vấn đề thu xếp nguồn vốn cho dự án cũng đang có chiều hướng thuận lợi hơn trong thời gian tới. Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, nếu được thông qua, đến năm 2030 dự án hoàn toàn đáp ứng được ba tiêu chí về an toàn nợ công, nợ Chính phủ và nợ quốc gia đều thấp hơn mức cho phép từ 5 đến 15%.