Đề xuất trẻ từ 16-18 tuổi phải được kiểm tra lý thuyết và cấp chứng chỉ giấy phép lái xe
Theo đề xuất, nội dung thi và việc cấp chứng chỉ nên tập trung vào việc nâng cao hiểu biết về an toàn giao thông, không gây khó khăn cho học sinh và gia đình.
Theo thông tin từ VnExpress, trong khuôn khổ hội thảo An toàn giao thông  xe máy diễn ra ngày 4/11 vừa qua, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề xuất cấp chứng chỉ lái xe cho trẻ từ 16-18 tuổi nhằm nâng cao ý thức và kỹ năng lái xe máy. TS Minh cho biết, tính đến tháng 9 năm nay, cả nước đã có 77 triệu xe máy được đăng ký, đạt tỷ lệ 770 xe trên 1.000 dân.
Mặc dù nhiều địa phương đã lên kế hoạch giảm thiểu việc sử dụng xe máy nhưng loại phương tiện này vẫn là phương tiện di chuyển chính của phần lớn người dân Việt Nam, chiếm tới 85-90% lưu lượng giao thông và góp phần vào 60-70% các vụ tai nạn giao thông. Đặc biệt, tình trạng trẻ dưới 16 tuổi tự ý điều khiển xe máy hai bánh và gặp tai nạn đang ngày càng phức tạp.
TS Trần Hữu Minh nhấn mạnh rằng thanh thiếu niên từ 16-18 tuổi hiện được phép điều khiển xe máy có dung tích dưới 50cc một cách hợp pháp, nhưng phần lớn vẫn còn thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông. Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông , nhóm tuổi này phải "hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng điều khiển phương tiện; đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe". Tuy nhiên, tiêu chí "hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ và có kỹ năng điều khiển xe" hiện vẫn chưa được định nghĩa cụ thể dẫn đến việc khó đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Ông Minh cho rằng thanh thiếu niên khi tham gia giao thông cần trang bị các kỹ năng cơ bản như kiểm soát tốc độ, quan sát khi chuyển hướng và tránh điểm mù của các loại xe lớn như xe khách và xe tải. Những kỹ năng này có thể được giảng dạy tại trường trong 1-2 ngày hoặc được phụ huynh hướng dẫn lý thuyết và thực hành lái xe.
Để học sinh hiểu rõ các quy tắc giao thông và có kỹ năng lái xe an toàn, TS Trần Hữu Minh đề xuất rằng nhóm trẻ từ 16 đến 18 tuổi nên được kiểm tra lý thuyết và cấp chứng chỉ giấy phép lái xe. Nhà trường có thể phối hợp với cơ quan cảnh sát giao thông và các cơ sở đào tạo để tổ chức kỳ thi. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng có thể ban hành tài liệu hướng dẫn để gia đình và nhà trường tham khảo, hướng dẫn trẻ tham gia thi.
"Nội dung thi và việc cấp chứng chỉ nên tập trung vào việc nâng cao hiểu biết về an toàn giao thông, không gây khó khăn cho học sinh và gia đình", ông Minh nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, ông Khuất Việt Hùng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải bổ sung rằng, xe máy và môtô chiếm khoảng 93% số phương tiện tại Việt Nam là phương tiện đi lại phổ biến cả ở thành thị lẫn nông thôn. Kể cả những người sở hữu ô tô cũng thường có thêm xe máy.
Người lái xe máy cần được đào tạo về kỹ năng và kiến thức để xây dựng ý thức tham gia giao thông an toàn. Dù Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) có nhiều điểm mới, nhưng hiện tại vẫn chưa quy định giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe dưới 50cc.
Theo thống kê từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, năm 2023, có khoảng 2.300 trẻ em dưới 18 tuổi bị thương và tử vong do tai nạn giao thông, trong đó khoảng 1.000 trẻ đã tử vong. Đáng chú ý, 80% trong số này là các em ở độ tuổi từ 15-18.
Quy định về việc yêu cầu người lái xe máy điện và xe gắn máy dưới 50cc phải qua sát hạch để cấp bằng lái từng được đưa vào dự thảo Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi. Tuy nhiên, sau đó Quốc hội đã quyết định tách Luật Giao thông Đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ. Hiện tại, cả hai bộ luật mới đều không quy định về việc cấp bằng hay sát hạch cho người lái xe dưới 50cc.
>> Bộ Công an dự kiến thời hạn đăng ký thi phục hồi điểm giấy phép lái xe khi bị trừ hết điểm