Theo quy hoạch, tỉnh sẽ phát triển sân bay chuyên dụng tại Cô Tô và các sân bay thủy phi cơ, trực thăng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Đông Triều và Uông Bí.
Dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Vân Đồn - thuộc Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư với số tiền gần 7.500 tỷ đồng là sân bay tư nhân đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Tháng 3/2016, dự án được khởi công và đến tháng 12/2018, sân bay chính thức hoạt động, đón chuyến bay thương mại đầu tiên.
Là cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của ICAO), Cảng HKQT Vân Đồn có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới như Boeing 787 và Airbus A320. Sân bay có 7 điểm đỗ máy bay và 4 ống lồng phục vụ hành khách di chuyển từ nhà ga lên máy bay; hệ thống đèn hiệu đường băng và sân đỗ đạt tiêu chuẩn CAT II, xuất xứ Bỉ; hệ thống trả khay tự động iLane của hãng Smiths (Đức) lần đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam; các phòng chờ tiện nghi... Công suất nhà ga giai đoạn 1 là 2,5 triệu hành khách/năm.
Sân bay Vân Đồn |
Nhà ga của sân bay Quốc tế Vân Đồn được thiết kế mái vòm - lấy cảm hứng từ những cánh buồm ở vịnh Hạ Long. Ngoài việc thiết kế không gian sân bay thoáng mát trong lành,tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, sân bay Vân Đồn còn có phòng chờ hạng thương gia rộng tới 1.400 m2 với các trang thiết bị cao cấp và không gian sang trọng cho du khách có nhu cầu.
Về đường bay của sân bay Vân Đồn, các chuyến bay nội địa gồm: Quảng Ninh - Sài Gòn, Quảng Ninh - Đà Nẵng, Quảng Ninh - Phú Quốc; Chuyến bay Quốc tế gồm: Quảng Ninh - Thâm Quyến (Trung Quốc), Quảng Ninh - Hồ Nam (Trung Quốc), Quảng Ninh - Tokyo (Nhật Bản), Quảng Ninh - Seoul (Hàn Quốc).
Tháng 11/2020, World Travel Awards đã vinh danh sân bay Vân Đồn là "Sân bay khu vực hàng đầu châu Á 2020" và "Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á 2020".
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, sân bay Vân Đồn là cửa ngõ kết nối Quảng Ninh với các địa phương trong nước và với quốc tế, từ đó mở rộng các không gian kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu kinh tế Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Đây cũng chính là động lực cho sự phát triển của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng như cả vùng Đông Bắc.
Trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều kế hoạch phát triển hệ thống sân bay tại Quảng Ninh. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển sân bay chuyên dụng tại Cô Tô và các sân bay thủy phi cơ, trực thăng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Đông Triều và Uông Bí.
Sân bay Vân Đồn có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á 2020 |
Sân bay Hồng Kỳ tại Móng Cái sẽ được nâng cấp để khai thác dân dụng và cứu nạn. Cảng hàng không Vân Đồn sẽ được mở rộng với thêm đường lăn, nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay, đạt công suất 5 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và 12 triệu hành khách/năm vào năm 2050, hướng tới trở thành sân bay xanh.
Quảng Ninh còn được biết tới khi là địa phương tiên phong tự huy động vốn để xây dựng hai tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Vân Đồn - Móng Cái, nâng tổng chiều dài đường cao tốc của tỉnh lên gần 180 m. Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái kết nối đồng bộ với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 600 km, kết nối ba sân bay (Nội Bài, Cát Bi và Vân Đồn) và ba khu kinh tế lớn với một cửa khẩu quốc tế.
Sắp tới, Quảng Ninh sẽ xây thêm 2 tuyến cao tốc mới là cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long (CT 09) và Cao tốc Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng (CT 10) theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh hiện có 8 khu bến cảng và 2 khu neo đậu, chuyển tải, được Chính phủ xác định là một trong 5 khu vực cảng biển lớn của cả nước, đảm nhận trên 50% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, có vai trò phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, liên vùng, cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế.
Tận dụng lợi thế biên giới, cửa khẩu, ngoài đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ... tỉnh còn chú trọng phát triển hạ tầng thương mại tại các cảng cửa ngõ, các khu kinh tế cửa khẩu. Hệ thống các trung tâm dịch vụ xuất, nhập khẩu quốc gia và quốc tế đã được hình thành thông qua các hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế và các khu kinh tế cửa khẩu biên giới đường bộ Móng Cái, Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh.
Đồng thời, tỉnh còn chú trọng phát triển hệ thống giao thông khu vực nông thôn, miền núi cũng ngày càng đồng bộ, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các vùng miền trong tỉnh… Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam.
Năm 2023, GRDP tỉnh Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng ước đạt 11,03%. Đây là lần đầu tiên tỉnh đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 3 cả nước, là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2015) đạt mức tăng trưởng hai con số. Mục tiêu năm 2024, Quảng Ninh phấn đấu một thập kỷ đạt tăng trưởng trên 2 con số, GRDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD.