Địa phương nào sở hữu trữ lượng vàng lớn nhất Việt Nam?
Quảng Nam, địa phương giàu tài nguyên vàng nhất Việt Nam, không chỉ nổi bật bởi trữ lượng khoáng sản mà còn bởi tiềm năng phát triển kinh tế và văn hóa đặc sắc.
Theo kết quả thăm dò khoáng sản giai đoạn 2011-2020, do Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt, Việt Nam hiện có khoảng 25.084 kg vàng gốc. Trong đó, Quảng Nam là địa phương sở hữu trữ lượng vàng lớn nhất cả nước, tập trung chủ yếu tại hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn.
Quảng Nam là địa phương sở hữu trữ lượng vàng lớn nhất cả nước. Ảnh minh hoạ |
Mỏ vàng Bồng Miêu được đánh giá là một trong những mỏ vàng lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý  chưa chặt chẽ đã khiến nơi đây trở thành điểm nóng khai thác tự phát. Nhiều người dân từ khắp nơi đổ về khai thác vàng trái phép, dẫn đến thất thoát tài nguyên, mất nguồn thu thuế và gây ra hàng loạt vấn đề môi trường. Hóa chất và bùn thải từ hoạt động khai thác làm ô nhiễm nghiêm trọng đất đai, nguồn nước, trong khi tình trạng sập hầm, sạt lở núi đe dọa tính mạng người dân và gây mất an ninh trật tự. Trước thực trạng này, vào tháng 3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu với kinh phí 19,5 tỷ đồng, giao cho địa phương thực hiện trước cuối năm 2024.
Không chỉ nổi tiếng với trữ lượng vàng lớn, Quảng Nam còn sở hữu nhiều loại tài nguyên khoáng sản quý giá. Tiêu biểu là than đá tại Nông Sơn với trữ lượng 10 triệu tấn, từng đạt sản lượng khai thác cao nhất lên tới 50.000 tấn/năm; mỏ than Ngọc Kinh (trữ lượng 4 triệu tấn) dù đã ngừng khai thác từ năm 1994 nhưng vẫn ghi dấu trong tiềm năng khoáng sản của tỉnh. Bên cạnh đó, các loại tài nguyên khác như cát trắng công nghiệp, nước khoáng, khí mêtan, uranium, đá vôi, titan, thiếc, cao lanh… cũng góp phần tạo nên thế mạnh kinh tế cho địa phương. Những nguồn tài nguyên này là nền tảng quan trọng phục vụ các ngành công nghiệp xây dựng, sành sứ và thủy tinh.
Tái lập vào ngày 1/1/1997, Quảng Nam nằm ở vị trí trung độ của Việt Nam, cách Hà Nội 759 km về phía Bắc và cách TP. Hồ Chí Minh 971 km về phía Nam. Tỉnh có đường biên giới dài hơn 157 km, giáp với tỉnh Sê Kông (Lào), tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và hợp tác kinh tế với các địa phương trong nước cũng như quốc tế.
Phố cổ Hội An về đêm. Ảnh minh hoạ |
Với hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, bao gồm sân bay, cảng biển, đường sắt và quốc lộ, Quảng Nam trở thành cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế. Đặc biệt, tỉnh còn sở hữu bờ biển dài 125 km cùng hai di sản văn hóa thế giới là Khu di tích Mỹ Sơn và phố cổ Hội An. Cù Lao Chàm, một Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cũng là niềm tự hào của địa phương. Nơi đây còn là quê hương của Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng – biểu tượng tôn vinh lòng yêu nước và tinh thần cách mạng bất khuất.