Nhịp sống

Điểm đặc biệt của bức bảo vật quốc gia 'Gióng'

Gia Linh 13/10/2024 16:16

Bức sơn mài "Gióng" của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là một trong những bảo vật quốc gia được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tại cuộc trò chuyện nghệ thuật với chủ đề "Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại", các diễn giả tiết lộ những điểm đặc biệt về bức tranh bảo vật quốc gia này.

Nghệ thuật mang hồn cốt dân tộc

Nối tiếp cuộc trò chuyện nghệ thuật về họa sĩ Dương Bích Liên, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục tổ chức cuộc trò chuyện nghệ thuật với chủ đề Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê - nguyên Ủy viên Ban Thư ký, Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (Hội Mỹ thuật Việt Nam ngày nay) - khẳng định họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là người đồng hành với thế kỷ nghệ thuật.

Ông tham dự trực tiếp vào cả ba giai đoạn của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, từ thời kỳ nền móng cho sự hình thành nền nghệ thuật hiện đại, thời kỳ chuyển đổi đến thời kỳ đổi mới và phát triển.

Điểm đặc biệt của bức bảo vật quốc gia 'Gióng' ảnh 1
Hoạ sĩ Đặng Thị Khuê (phải) trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tư liệu về danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

"Nói đến Nguyễn Tư Nghiêm là nói đến cuộc đời sáng tạo miệt mài không ngừng nghỉ, là nói tới sự kiên định một mối hoài niệm về quá khứ nghệ thuật truyền thống, là nghệ sĩ mang tâm hồn dân tộc và thời đại một cách lắng đọng", họa sĩ Đặng Thị Khuê nêu.

Nghệ thuật của ông chia làm hai giai đoạn hiện thực và siêu thoát. Thời kỳ đầu (1945-1960) ông sáng tác những tác phẩm mang tính thời sự như Con nghé quả thực, Đêm Giao thừa bên bờ Hồ Gươm, Nông dân tranh đấu chống thuế...

Loạt tác phẩm Điệu múa cổ, Thánh Gióng, 12 con giáp... đánh dấu sự chuyển mình của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Ông bắt đầu sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau.

Điểm đặc biệt của bức bảo vật quốc gia 'Gióng' ảnh 2
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng nghệ thuật của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm nguyên vẹn hồn cốt của di sản văn hóa truyền thống Việt Nam.

"Ông có hàng trăm tác phẩm thể nghiệm tạo hình mới hướng đến những định ước thẩm mỹ truyền thống và tích hợp nhiều phẩm chất tạo hình đã đem đến những thành quả nghệ thuật đặc sắc, cá biệt. Điều này khiến ông trở thành một biệt lệ trong các danh họa Việt Nam cùng thời", họa sĩ Đặng Thị Khuê cho biết.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - chia sẻ: “Nghệ thuật của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm nguyên vẹn hồn cốt của di sản văn hóa truyền thống Việt Nam, của tâm hồn người Việt Nam, của mỹ cảm người Việt Nam”.

Điểm đặc biệt của bức bảo vật quốc gia 'Gióng' ảnh 3
Bức tranh Gióng được họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác năm 1990.

Người dẫn đường cho thế hệ kế cận

Liên quan đến những tác phẩm mang đậm hồn cốt của di sản Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhắc nhớ tác phẩm Gióng được họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác năm 1990. Bức tranh đã đoạt giải nhất Triển lãm mỹ thuật toàn quốc cùng năm sáng tác.

"Tác phẩm này khắc họa Thánh Gióng hoàn toàn khác những bức họa ông vẽ Thánh Gióng trước đó. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm không chỉ đơn thuần chép lại con ngựa ngoài đời vào tranh lại thổi hồn con ngựa này như bay múa, đưa Thánh Gióng về trời. Qua những tác phẩm của ông chúng ta thấy được cách ông xử lý chất liệu để tạo ra hình tượng Thánh Gióng uy nghiêm, mang đầy khí thế, hào khí của người Việt trước giặc ngoại xâm", họa sĩ Lương Xuân Đoàn nêu.

Điểm đặc biệt của bức bảo vật quốc gia 'Gióng' ảnh 4
Cuộc trò chuyện nghệ thuật còn có sự xuất hiện của vợ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - họa sĩ Nguyễn Thu Giang. Ảnh: BTC.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định những tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm sẽ tiếp tục là động lực cho các thế hệ kế cận khai thác các giá trị truyền thống và kết hợp những phương pháp mới.

Các diễn giả nhấn mạnh sinh thời, bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái đều là bạn nghề chí thiết, họ rất quý trọng nhau nhưng không đi chung một con đường trong sáng tạo bởi những khác biệt về quan niệm.

"Song họ lại cùng chí hướng trước vận mệnh nghệ thuật. Bằng sự dấn thân sáng tạo, bằng bốn cách nhìn thẩm mỹ và tiếp cận hiện thực, họ đã cùng thành tựu mở hướng đi mới cho nghệ thuật Việt Nam - rộng hơn ra thế giới, sâu hơn vào truyền thống. Nghệ thuật Việt Nam nhờ vậy được phản ánh nhiều chiều, đa dạng và nhân bản hơn...", họa sĩ Đặng Thị Khuê nêu.

Cuộc trò chuyện nghệ thuật còn có sự xuất hiện của vợ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - họa sĩ Nguyễn Thu Giang. Bà gửi lời cảm ơn tới các diễn giả đã giúp chồng mình "sống lại" trong lòng khán giả.

Dịp này, bà cũng chia sẻ thêm với báo Tiền Phong về ký ức bên danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

Với bà, chồng luôn là người cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Cả hai không giao tiếp quá nhiều nhưng ông luôn thấu hiểu mọi điều bà muốn. Bà cũng tiết lộ bình thường danh họa Nguyễn Tư Nghiêm ít nói, hiền lành nhưng khi giận cũng rất "dữ dội".

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được biết đến là một trong bộ tứ huyền thoại của mỹ thuật Việt Nam hiện đại Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Cuộc đời, tên tuổi và sự nghiệp của ông được ghi nhận qua nhiều giải thưởng, trong đó phải kể tới Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I năm 1996. Tác phẩm sơn mài Gióng của ông được công nhận bảo vật quốc gia, được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

>> Kéo lưới đánh cá, ngư dân vớt phải khối kim loại hàng trăm kg: Chuyên gia xác định là bảo vật hiếm có, quả chuông lâu đời thứ hai ở Việt Nam

Tìm thấy thanh kiếm cổ 2.000 năm tuổi trên một ngọn núi ở miền Trung: Là bảo vật quốc gia kiếm tượng người đẹp nhất nhì ở Việt Nam

Tận mục bảo tàng 2.500 tỷ giữa Thủ đô sắp mở cửa đón khách, trưng bày những bảo vật quốc gia hàng chục tấn

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/diem-dac-biet-cua-buc-bao-vat-quoc-gia-giong-post1681899.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Điểm đặc biệt của bức bảo vật quốc gia 'Gióng'
    POWERED BY ONECMS & INTECH