Điểm nổi bật để bảo vệ trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông
Luật Trật tự ATGT đường bộ 2024 quy định trẻ em dưới 10 tuổi và dưới 1,35m không được ngồi cạnh ghế lái; đồng thời phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ.
Thực hiện Chủ đề Năm An toàn giao thông 2024 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa an toàn giao thông”, Trung tâm tư vấn sức khỏe cộng đồng CHD thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông TPHCM (thuộc Ủy ban ATGT quốc gia) và các đơn vị có liên quan tổ chức thông tin đến các cơ quan báo chí truyền thông về một số điểm mới trong “Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ” về đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng ô tô.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an) nhấn mạnh, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông.
“Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em”, ông Nhật nói.
Theo ông Nhật, thống kê trong năm 2023 cho thấy, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em (từ 6 đến dưới 18 tuổi) là 2.158 vụ, làm chết 1.034 em và bị thương 827 em.
9 tháng đầu năm nay, số vụ tai nạn là 1.957, khiến 783 em tử vong và 2.018 em bị thương.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông trên ô tô, Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024 đã quy định nội dung này tại khoản 3, điều 10.
Cụ thể, không cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại ô tô chỉ có 1 hàng ghế); phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.
Ông Nhật cho rằng, trên thế giới, việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô đã được thực hiện từ nhiều năm qua như một quy định bắt buộc. Còn thực tế ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm, thực trạng việc sử dụng dây an toàn, thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông còn chưa được chú ý.
Vì vậy, trong quá trình cho trẻ em tham gia giao thông trên phương tiện ô tô chưa đảm bảo an toàn, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Trong khi đó nếu sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ, hoàn toàn có thể hạn chế được những nguy cơ đáng tiếc khi có va chạm trong quá trình xe lưu thông (khi xe phanh gấp, cha mẹ tập trung lái xe trẻ em hiếu động tự ý di chuyển khỏi vị trí ngồi ….
PGS.TS. Phạm Việt Cường, Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng cũng chia sẻ, ở nước ta, trẻ em ngồi ghế trước khá phổ biến; ngồi một mình hoặc ngồi chung với người lớn...
Theo ông Cường, trẻ ngồi ghế trước chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm; dễ văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn; chịu sự va đập của túi khí; hiếu động, tò mò; gây mất tập trung cho người lái; không có hệ thống lắp thiết bị an toàn cho trẻ em ở ghế trước trong thiết kế xa.
Nhiều nước trên thế giới quy định, trẻ em dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 1,5m không được ngồi ghế trước.
Ông Cường cũng nhấn mạnh, trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi dùng được dây an toàn của người lớn. Theo nhiều nghiên cứu, dây an toàn 3 điểm trên ô tô hiện nay không đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ cho đến khi đủ chiều cao xấp xỉ 1,5m.
Theo ông Nhật, quy định mới về Luật được thực hiện từ 1/1/2025, nhưng để đồng bộ về tuyên truyền, thay đổi thói quen cũng như sự chuẩn bị về thiết bị,… hiệu lực thi hành quy định này được lùi thêm 1 năm, áp dụng từ 1/1/2026, lúc đó các chế tài sử phạt cũng sẽ được thực hiện.
Để thực thi luật này cần có sự vào cuộc của nhiều bộ ban ngành. Đặc biệt, tính đến phương án hỗ trợ sản xuất cung cấp thiết bị an toàn cho trẻ em, có giá thành hợp lý và đảm bảo chất lượng.
>>Chính thức từ tháng 1/2025, người lái xe máy lưu ý 4 trường hợp 'chở 3' mà không bị phạt
Đề xuất tăng mức phạt vượt đèn đỏ, đèn vàng từ năm 2025, người tham gia giao thông lưu ý 
Đề xuất từ 1/1/2025, 13 trường hợp phải giảm tốc độ khi tham gia giao thông