Tuần giao dịch từ 13 - 17/9/2021 kết thúc với việc VN-Index thoát một phần khỏi xu hướng tích lũy nhiều phiên. Nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng tăng mạnh nhất với đóng góp của các cổ phiếu đầu ngành như MSN (+12,3%), SAB (+6,3%), BHN (+14%). Cùng với đó, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin và nhóm dầu khí cũng tăng mạnh mẽ góp phần vào sự ổn định của VN-Index và các chỉ số trong tuần này.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 7,33 điểm (+0,54%), lên 1.352,64 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 5,9% xuống 105.942 tỷ đồng, khối lượng giảm 0,4% xuống 3.647 triệu cổ phiếu.
Chỉ số HNX-Index tăng 7,92 điểm (+2,26%) lên 357,97 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 10,9% lên 17.699 tỷ đồng, khối lượng tăng 11,1% lên 866 triệu cổ phiếu.
Khối tự doanh CTCK trong tuần vừa qua mua vào 40,3 triệu cổ phiếu trên HoSE, trị giá 1.784 tỷ đồng trong khi bán ra 13,5 triệu cổ phiếu, trị giá 764 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 26,8 triệu cổ phiếu - tương ứng giá trị mua ròng là 1.020 tỷ đồng. Đây cũng là tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp cũng như là mạnh nhất kể từ giữa tháng 1 (11 - 15/1). Nếu chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng 1.012 tỷ đồng.
Trái ngược với khối tự doanh, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 6 liên tiếp với giá trị tăng 47% so với phiên trước và ở mức 4.222 tỷ đồng - tương ứng khối lượng 93 triệu cổ phiếu. Tính chung cả 6 tuần qua, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng tổng cộng 17.139 tỷ đồng.
Về diễn biến giá cổ phiếu, trong tuần, nhóm hàng tiêu dùng tăng mạnh nhất với đóng góp của các cổ phiếu đầu ngành như MSN (+12,3%), SAB (+6,3%), BHN (+14%) ...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với các mã tiêu biểu FPT (+2,4%), CMG (+10,6%), ICT (+17,15%).
Tiếp theo là nhóm dầu khí với BSR (+5,6%), OIL (+3,8%), PLX (+0,4%), PVD (+11,8%), PVS (+10,6%), PVB (+6,3%), PXS (+14,3%), CNG (+14,4%), GAS (+3,7%),
Các cổ phiếu thuộc nhóm bán lẻ với việc giãn cách xã hội bắt đầu nới lỏng có tuần thứ hai liên tiếp tăng tốt với MWG (+3,4%), DGW (+12,7%), FRT (+15,1%) ...
Trên sàn HOSE, thêm một tuần mà một cổ phiếu thuộc họ “Louis” là Louis Capital (TGG) hút tất cả sự chú ý, với tuần thứ hai liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng các cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn.
Do diễn biến giá cổ phiếu tăng nóng và bị đồn thổi thao túng giá, Ban lãnh đạo TGG trong tuần đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và khẳng định rằng, Louis Capital không thực hiện bất kỳ hành vi nào để tác động về giá cổ phiếu cũng như thao túng thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu TDH với thông tin TGG trở thành cổ đông lớn sau khi đã mua thêm 1,5 triệu cổ phiếu cũng đã ‘cháy hàng’, lệnh kê tranh nhau mua khiến lượng dư mua giá trần trong hai phiên gần nhất lên tới gần 19 triệu và 17 triệu đơn vị.
Từ đầu năm đến nay, nhóm Louis Holdings đã thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp: CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (BII) đổi tên thành Louis Land, CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang (TGG) đổi tên thành Louis Capital, Xuất nhập khẩu An Giang (AGM). Mới đây, nhóm này cũng đăng ký mua thêm hàng triệu cổ phần của CTCP Sametel (SMT), Dap- Vinachem (DDV) và CTCP Chứng khoán APG (APG).
Các cổ phiếu còn lại trong số các mã tăng tốt nhất đa số là các penny, vốn đang cho xu hướng tăng ngắn hạn mạnh gần đây là ASP, JVC, FTM, CSV và cặp đôi YBM, MBC ở nhóm khai khoáng.
Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HOSE từ 13 - 17/9:
Ở chiều ngược lại, FIT bị bán tháo ồ ạt kể từ phiên 8/9 và tổng cộng đã có 4 phiên giảm sàn cho tới nay. Thông tin khiến nhà đầu tư xả mạnh cổ phiếu này có lẽ đến từ áp lực chốt lời, khi giá cổ phiếu tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử quanh 22.000 đồng và kế hoạch phát hành thêm tổng cộng 77 triệu cổ phiếu, trong đó hơn 25,47 triệu cổ phiếu trả cổ tức và chào bán gần 51 triệu cho cổ đông với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Ảnh hưởng liên tới, công ty con của FIT là TSC cũng đã bị đạp sâu và góp mặt trong số các mã giảm mạnh nhất trong tuần.
Cổ phiếu PHC chưa ngừng rơi, khi có tuần thứ hai liên tiếp bị nhà đầu tư bán không tiếc tay. Tuần trước, PHC -15%.
Trên sàn HNX, một cổ phiếu mới đây có liên quan đến TGG là VKC cũng đã nhận ảnh hưởng mạnh và tăng vọt. Mới đây, TGG đã mua thêm 200.000 cổ phiếu VKC, qua đó, nâng sở hữu từ 900.000 cổ phiếu lên 1,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,7% vốn VKC.
Tương tự là SMT, khi cũng nhảy vọt, với thông tin cổ đông lớn là TGG và có kế hoạch M&A để nâng sở hữu tại SMT từ 22% hiện nay lên 51%. Tổng cộng, SMT đã có 20 phiên liên tiếp tăng từ ngày 19/8 đến nay, trong đó có tới 17 phiên đóng cửa ở mức giá trần.
Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX từ 10 - 17/9
Trên UpCOM, mã SSG có liên quan đến cổ phiếu nóng trên HOSE gần đây là VOS đã bứt phá với 4 trên 5 phiên tăng hết biên độ, nhưng thanh khoản tương đối thấp, chỉ với hơn 15.000 đơn vị khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất.
Trong tuần, UpCOM chào đón tân binh SGI của CTCP Đầu tư Phát triển Sài Gòn 3 Group với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 14/9 là 30.000 đồng.
Mặc dù vậy, giá cổ phiếu trong ba phiên đều giảm, kết thúc tuần tại 23.200 đồng, tương đương -22,67%.
Cổ phiếu VIC (Vingroup) bất ngờ tăng mạnh sau thương vụ với NVIDIA 
VN-Index tăng 27 điểm, một họ cổ phiếu bị thổi bay 11.700 tỷ đồng vốn hóa