Xã hội

Điện hạt nhân: 'Xin đừng để tuột mất cơ hội!'

Luân Dũng 17/02/2025 14:28

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phản ánh kiến nghị của cử tri rằng: “Xin đừng để tuột mất cơ hội, làm chậm sự phát triển của đất nước”. Theo Bộ trưởng Công Thương, do tính chất phức tạp của dự án và lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, để bảo đảm mục tiêu hoàn thành trong năm 2030-2031, rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh.

Lý do cần cơ chế đặc thù

Sáng 17/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự ánđiện hạt nhân Ninh Thuận.

Tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phản ánh kiến nghị của cử tri rằng: “Điện hạt nhân rẻ, ổn định, ít phát thải và công suất lớn, xin đừng để tuột mất cơ hội, làm chậm sự phát triển của đất nước”.

Điện hạt nhân: 'Xin đừng để tuột mất cơ hội!' ảnh 1
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). Ảnh: Như Ý.

Theo ông Mai, hiện nay nhiều quốc gia đang điều chỉnh chính sách và có nhiều động thái mới liên quan đến điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon. Ông Dương Khắc Mai cho rằng, việc Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của thời đại.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Đắk Nông cũng cho hay, bên cạnh những lợi ích tiềm năng và tích cực thì dự án còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức cần được xem xét cẩn trọng. Cụ thể, như vấn đề tài chính, công nghệ, và an toàn môi trường xã hội, địa chính trị.

Đây là lĩnh vực có công nghệ chuyên sâu đặc thù phức tạp, chắc chắn phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Cộng với đó, vấn đề nguồn nhân lực để đáp ứng cho dự án cũng là một vấn đề lớn, nếu không đảm bảo sẽ ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng cũng như vận hành nhà máy.

Từ phân tích trên, ông Mai đề nghị Chính phủ quan tâm có phương án, giải pháp trong việc đào tạo nguồn nhân lực của dự án để đảm bảo sự chủ động tối đa. Cùng với đó, cần có cơ chế chính sách để huy động tối đa các nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp nhà nước, lẫn tư nhân trong nước để tham gia vào dự án, giảm bớt áp lực cho nguồn vốn nhà nước.

Rất cần cơ chế đặc thù, đủ mạnh

Giải trình, làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, tổng công suất toàn hệ thống đến năm 2030 dự kiến khoảng 230.000 MW, tức là gấp 3 lần công suất hiện nay.

Trong khi đó, điện hạt nhân là nguồn điện sạch, điện nền, công suất khả dụng cao, giá thành hợp lý, góp phần bảo đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 2 con số về kinh tế trong kỷ nguyên mới. Vì vậy, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo tái khởi động các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Điện hạt nhân: 'Xin đừng để tuột mất cơ hội!' ảnh 2
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Như Ý.

Theo ông Diên, do tính chất phức tạp của dự án và lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, để bảo đảm mục tiêu hoàn thành trong năm 2030-2031, rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh.

Về phạm vi điều chỉnh, Chính phủ chỉ đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội được áp dụng cho 5 nhóm, bao gồm: Lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu, chuẩn bị và thực hiện đầu tư; cơ chế tài chính và thu xếp vốn đầu tư; tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức, đơn giá và di dân, tái định cư, bảo đảm an sinh xã hội khu vực dự án.

Về đối tượng áp dụng, theo ông Diên, cơ chế, chính sách đặc thù chỉ áp dụng cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần đã được Quốc hội khóa XII thông qua. Thời gian áp dụng kể từ thời điểm nghị quyết có hiệu lực tới khi hoàn thành đầu tư dự án và đưa vào vận hành, khai thác.

“Việc thực hiện dự án này chúng ta còn có sự giám sát rất chặt chẽ của tổ chức năng lượng quốc tế IAEA nên chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm”, Bộ trưởng Công Thương khẳng định.

>>Điện hạt nhân Ninh Thuận: Đề xuất chỉ định thầu xây dựng nhà máy chính

Điện hạt nhân Ninh Thuận: Đề xuất chỉ định thầu xây dựng nhà máy chính

Tuyến đường kết nối trực tiếp đến vùng đặt nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam đã lộ rõ hình hài

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/dien-hat-nhan-xin-dung-de-tuot-mat-co-hoi-post1717726.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Điện hạt nhân: 'Xin đừng để tuột mất cơ hội!'
    POWERED BY ONECMS & INTECH