Phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam: Lựa chọn tất yếu trong giai đoạn mới
Trên thế giới, điện hạt nhân được nhiều quốc gia coi là giải pháp tối ưu để đảm bảo nguồn cung năng lượng dài hạn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đáp ứng các cam kết về giảm phát thải khí carbon. Đối với Việt Nam, việc tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân không chỉ là lựa chọn chiến lược mà còn là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế hiện nay.
Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, cùng với áp lực giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam đứng trước bài toán về lựa chọn nguồn năng lượng bền vững cho tương lai. Mặc dù năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời có những bước phát triển, nhưng tính ổn định và hiệu quả của các nguồn năng lượng này vẫn còn nhiều hạn chế.
Áp lực tăng dần
Trong các báo cáo gần đây về phát triển năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang đối mặt việc buộc phải đẩy nhanh phát triển các nguồn cung điện mới để đảm bảo cung ứng cho phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh các nguồn thủy điện lớn trong nước đã cạn kiệt, điện than phải giảm dần theo các cam kết về Net Zero, các dự án năng lượng tái tạo, điện rác thì vướng về cơ chế, chưa kể nhiều dự án nguồn điện chạy nền - lưới điện trong Quy hoạch điện VII đang chậm tiến độ hoặc gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách… Để đáp ứng việc thu hút đầu tư cho phát triển trong các năm tới, phát triển điện hạt nhân  tại Việt Nam là việc không thể không làm tại thời điểm hiện nay.
![]() |
Kỹ sư vận hành Nhà máy điện Nhơn Trạch 2. |
Thực tế cho thấy, trước năm 2019, nguồn điện của Việt Nam hầu hết là các nhà máy điện truyền thống như nhiệt điện than, điện khí và thủy điện. Các nguồn thủy điện lớn tại Việt Nam hiện nay đã khai thác gần hết tiềm năng với tổng công suất lắp đặt 23.182 MW. Đến năm 2024, nguồn thủy điện chỉ còn chiếm khoảng 31% trong cơ cấu nguồn điện toàn quốc. Trên cả nước hiện chỉ còn các dự án nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp.
Tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động giải pháp đảm bảo cung ứng điện giai đoạn 2025-2030, thời gian tới, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đặt ra cao hơn rất nhiều so với thời gian qua, tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 phấn đấu đạt trên mức 8% và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2026 – 2030 phấn đấu ở mức 2 con số, đòi hỏi điện năng tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 12% đến trên 16% (tương ứng mỗi năm cần bổ sung từ 8.000 – 10.000 MW). Đây là thách thức rất lớn, nếu không kịp thời có giải pháp phát triển nguồn điện, sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguồn cung điện nghiêm trọng.
T.Quyên
Trong khi đó, từ năm 2016 trở lại đây, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ trên 35% nhưng những năm qua đối mặt với hai vấn đề chính: sự phản ứng của các địa phương với lo ngại gây ô nhiễm môi trường và thiếu vốn đầu tư, phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu. Nguồn điện tuabin khí không được bổ sung trong các năm trở lại đây và đã giảm từ 18% năm 2016 xuống còn 10% năm 2024 và cũng gặp khó khăn do đối mặt với nguy cơ suy giảm sản lượng khí nội địa, buộc phải nhập khẩu LNG.
Dù có sự bùng nổ mạnh mẽ từ năm 2019 đến nay nhưng năng lượng tái tạo cũng đang chững lại do thiếu cơ chế cũng như tính ổn định về nguồn. Các số liệu chính thức cho thấy, tỷ lệ các nguồn điện mặt trời và điện gió đã từ gần như 0% vào năm 2018 lên lần lượt 12% và 7% vào năm 2024. Hiện điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới 9 GW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) kéo theo tình trạng "nghẽn" đường truyền tải. Điện gió đạt trên 5.000 MW, song cũng như điện mặt trời, cả hai nguồn này đều phụ thuộc vào thời tiết, đòi hỏi đầu tư công nghệ lưu trữ và nâng cấp hạ tầng.
Trong báo cáo của các bộ ngành, Việt Nam đang đối diện thách thức lớn về an ninh năng lượng, cần đa dạng hóa nguồn cung và phát triển năng lượng tái tạo với chiến lược hợp lý để đảm bảo ổn định và bền vững nếu muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI, thu hút các ngành công nghiệp mới nổi như bán dẫn, phát triển AI…
Theo Bộ Công Thương, để đảm bảo an ninh năng lượng, việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân được coi là hướng đi chiến lược nhằm bổ sung nguồn điện chạy nền, trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện truyền thống ngày càng gặp khó khăn. Theo đó, giai đoạn 2016-2024, tổng công suất đặt các nguồn điện trong hệ thống đã tăng gần 2 lần từ khoảng 42 GW lên khoảng 75 GW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà). Tỷ lệ dự phòng công suất của toàn bộ nguồn điện trong hệ thống năm 2024 khoảng 54%. Tuy nhiên, nếu không tính tới các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, tỷ lệ dự phòng công suất của hệ thống điện giảm chỉ còn khoảng 26%.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, nhu cầu điện của Việt Nam dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp 15 lần vào năm 2050 so với hiện nay. Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất nguồn điện đặt mục tiêu đạt 150.489 MW vào năm 2030 và khoảng 490.529 - 573.129 MW vào năm 2050.
Với việc Việt Nam hiện chủ yếu dựa vào năng lượng hóa thạch, trong đó than đá chiếm tỷ trọng lớn, cũng phần nào gây tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, sự biến động giá LNG cũng là yếu tố gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến an ninh năng lượng trong các năm tới. Vì vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn cung, đẩy mạnh năng lượng tái tạo, nâng cấp hạ tầng và thu hút đầu tư.
Điện hạt nhân - Giải pháp chiến lược
Ngày 3/1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Chỉ thị số 1/CT-TTg yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo gấp rút triển khai, hoàn thành công tác đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cùng với phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Từ thực tế ở Việt Nam, có thể nói đến nay, điện hạt nhân là giải pháp chiến lược cho việc cung cấp năng lượng ổn định, hiệu suất cao và phát thải CO2 thấp. Với ưu thế các nhà máy điện hạt nhân có thể hoạt động liên tục, không phụ thuộc thời tiết, với công suất khả dụng lên tới 92%, cao hơn nhiều so với điện khí hay năng lượng tái tạo và mức phát thải CO2 tương đương năng lượng gió và thấp hơn điện mặt trời, phát triển các dự án điện hạt nhân sẽ là một giải pháp chiến lược cho Việt Nam trong các năm tới.
Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia đã chọn phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải. Hiện Pháp dẫn đầu EU về sản lượng điện hạt nhân và đang mở rộng thêm lò phản ứng. Nhật Bản tái khởi động lò phản ứng sau sự cố Fukushima, đặt mục tiêu trung hòa carbon vào 2050. Hàn Quốc cũng tập trung phát triển lò phản ứng module nhỏ (SMR) và xuất khẩu công nghệ. Trung Quốc theo thống kê có 55 lò phản ứng và đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới vào 2030.
Sau khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhiều nước, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản, cam kết tăng gấp ba công suất điện hạt nhân vào 2050. Châu Âu cũng đang dần thay đổi quan điểm, kéo dài tuổi thọ lò phản ứng và đầu tư vào công nghệ hạt nhân mới.
![]() |
Mô hình Nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: PV |
Thách thức phát triển
Việt Nam tái khởi động chương trình điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng và giảm phát thải. Tuy nhiên, để khởi động lại việc phát triển các dự án điện hạt nhân, có hàng loạt đầu việc phải gấp rút triển khai. Trong đó việc xây dựng các khung pháp lý về đảm bảo an toàn hạt nhân, rủi ro sự cố, chuẩn bị nhân lực vận hành, huy động vốn đầu tư cùng các nguồn lực khác về vận hành, bảo trì…
Trước mắt Việt Nam cần xây dựng chiến lược dài hạn và lộ trình phát triển điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao và cam kết giảm phát thải. Cùng đó, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế với những nước đã sở hữu và phát triển dự án điện hạt nhân như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hoa Kỳ nhằm tiếp cận công nghệ hiện đại và đảm bảo an toàn vận hành. Đồng thời, huy động vốn từ nguồn tài trợ quốc tế, hợp tác công tư, và xây dựng cơ chế tài chính minh bạch để thu hút đầu tư.
Một công tác chuẩn bị quan trọng nữa là hoàn thiện khung pháp lý và đẩy mạnh truyền thông, yếu tố quan trọng, giúp nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. Trong đó, khẩn trương hoàn thành và thông qua dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đáp ứng các yêu cầu về phát triển dự án điện hạt nhân của IAEA, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch điện VIII, Luật Điện lực và các văn bản liên quan để tạo hành lang pháp lý triển khai các dự án.
Việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân là lựa chọn chiến lược và tất yếu của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, áp lực giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng. Mặc dù còn nhiều thách thức như vấn đề an toàn, chi phí đầu tư và sự đồng thuận xã hội, nhưng với những điều kiện thuận lợi như nhu cầu điện cao, cam kết giảm phát thải và hợp tác quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển điện hạt nhân một cách bền vững. Khi triển khai thành công, điện hạt nhân không chỉ giúp đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trong tương lai.
>> Bộ trưởng Công Thương nói về địa điểm xây nhà máy điện hạt nhân 
Bộ trưởng Công Thương nói về địa điểm xây nhà máy điện hạt nhân 
Chính phủ đề xuất chỉ định thầu với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận