Điện mặt trời: Dự thảo 'đóng' của Bộ Công Thương và chính sách 'mở' từ Singapore
Singapore có chính sách bồi hoàn chi phí cho những người lắp điện mặt trời trên toà nhà thì tại Việt Nam, dự thảo về điện mặt trời mái nhà của Bộ Công Thương quá đóng, gây lãng phí lớn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp.
Tại Hội thảo “Các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng điện tại TP.HCM”, ngày 3/8, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết, các quy định, thủ tục về đầu tư điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đang mỗi nơi một kiểu.
Ông đi Bình Dương, Đồng Nai, Long An, thấy mỗi địa phương lại có quy định khác nhau về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, môi trường dù đều liên quan đến ĐMTMN.
Trong khi đó, tại TP.HCM, diện tích mái nhà tại các khu công nghiệp thành phố rất lớn. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, Bộ Công Thương lại chỉ nhắc tới ĐMTMN của hộ dân và cơ quan Nhà nước, bỏ qua ĐMTMN tại các khu công nghiệp.
Ông dẫn chứng, TP.HCM có 18 khu công nghiệp với diện tích được Chính phủ quy hoạch là khoảng 7.000ha; thời gian tới sẽ mở rộng thêm khoảng 4.000ha. Chỉ riêng năm 2019, các khu công nghiệp của thành phố đã lắp được 80MW. Sau đó, do có nhiều khó khăn trong triển khai lắp đặt nên các bên liên quan phải dừng lại.
Ở chiều ngược lại, nếu TP.HCM tận dụng toàn bộ các mái nhà của cơ quan Nhà nước trên địa bàn để lắp đặt điện mặt trời thì cũng chỉ được khoảng 166MW. Như vậy, sẽ là lãng phí lớn nếu bỏ qua ĐMTMN tại khu công nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Đào Du Dương, Giám đốc Trung tâm Đầu tư và phát triển năng lượng Việt Nam (VIDEC), cho hay, các khu công nghiệp TP.HCM sử dụng điện nhiều. Nhưng, dự thảo của Bộ Công Thương lại không đề cập đến ĐMTMN xưởng, đồng thời, không cho các nhà đầu tư bán cho doanh nghiệp, hộ dân khác mà phải tự dùng. Đây là khó khăn lớn.
Ông ví dụ, có những doanh nghiệp trong khu công nghiệp sử dụng 8-9 tỷ đồng tiền điện/tháng. Trong khi, mái nhà của họ chỉ có thể lắp 2-3 MW ĐMTMN. Cũng trong khu công nghiệp đó, nhiều nhà kho diện tích mái nhà rất lớn, có thể lắp hàng chục MW, nhưng lại bỏ không.
Nghịch lý trên là do doanh nghiệp không thể bán ĐMTMN tự sản xuất ra cho doanh nghiệp khác, dù hai công ty ở sát nhau. Do vậy, doanh nghiệp cũng không thể bỏ ra hàng tỷ đồng để tạo ra điện, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
"Bộ Công Thương nên thay đổi khái niệm 'điện tự sử dụng' thành 'điện sử dụng tại chỗ', như vậy sẽ đúng hơn. Chỉ cần dự án ĐMTMN xưởng đó không đẩy lên lưới điện thì được tiêu thụ tại chỗ, phải khuyến khích. Việc này không ảnh hưởng gì đến lưới điện, sao đến nay Nhà nước vẫn chưa cho phép?", Giám đốc VIDEC băn khoăn.
Ông Nguyễn Thanh Phát, Giám đốc điều hành SP Group tại Việt Nam (thành viên Tập đoàn Năng lượng Singapore) đánh giá, năng lượng mặt trời có thể giảm khoảng 30% chi phí tiền điện tại khu vực phía Nam; khoảng 15-20% đối với phía Bắc. Số tiền giảm đó khá đáng kể bởi chi phí sử dụng điện của một số ngành chiếm 0,5-5% chi phí sản xuất.
Chưa kể, doanh nghiệp cần hướng tới chứng chỉ xanh để phục vụ xuất khẩu. Năng lượng sạch cũng đóng góp cho cam kết của Việt Nam hướng tới Net Zero vào năm 2050.
Nói về cách thúc đẩy xanh hoá nền kinh tế, đại diện SP Group dẫn chứng, Singapore đã có các chính sách ấn tượng. Cụ thể, từ năm 2019, Sing đánh thuế (carbon tax) trên mỗi tấn carbon thải ra môi trường. Số thuế tăng từng năm và áp cho doanh nghiệp công nghiệp tạo ra từ 25.000 tấn CO2/năm trở lên. Năm 2023, carbon tax là 5 SGD/tấn. Tới năm 2030, carbon tax lên tới 80 SGD/tấn carbon (tương đương 1,4 triệu đồng).
Ngoài ra, năm 2020, Singapore có chính sách, Nhà nước bồi hoàn chi phí cho những người lắp điện mặt trời trên toà nhà thương mại là 10.000 SGD (177 triệu đồng), hay chi phí đầu tư đó sẽ được trừ thuế vào tiền thuế phải nộp đối với các toà nhà.
Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo đó, Dự thảo khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Đối tượng áp dụng của Dự thảo Quyết định gồm các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển ĐMTMN lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Tuy nhiên, trụ sở doanh nghiệp ở đây là văn phòng làm việc của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, không bao gồm các trụ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại.
Dự thảo đặt mục tiêu, đến năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà cho mục đích tự sử dụng.