Điều cần tránh trong chế độ ăn uống khi mùa Đông về
Trong mùa Đông, điều cần thiết là tránh những sai lầm về dinh dưỡng, do nhiều loại bệnh như cảm lạnh, ho, cúm và dị ứng thường xảy ra trong thời gian này. Dưới đây là một số điều cần lưu ý trong chế độ ăn uống để giữ gìn sức khỏe trong mùa đông lạnh giá.
Hạn chế thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ
Mùa Đông là thời điểm mà nhu cầu ăn uống có xu hướng tăng lên để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ có thể gây ra các vấn đề về cân nặng, tăng cholesterol  và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Mặc dù thực phẩm chiên xào có thể tạo cảm giác ấm áp và đầy đủ năng lượng, nhưng nó lại gây gánh nặng cho gan và dạ dày, dễ dẫn đến các vấn đề như đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Thay vì ăn đồ chiên xào, nên ưu tiên các món nướng, hấp hoặc hầm để đảm bảo dinh dưỡng mà không làm cơ thể bị "nặng" thêm.
Tránh ăn quá nhiều thực phẩm có tính acid
Các thực phẩm có tính acid như trái cây chua, dưa muối, thực phẩm chế biến sẵn có thể kích thích dạ dày, gây cảm giác khó chịu hoặc các vấn đề tiêu hóa khác trong mùa Đông. Thực phẩm chua làm tăng tính acid trong dạ dày, gây đau rát dạ dày hoặc trào ngược acid, đặc biệt là khi tiêu thụ vào buổi tối.
Vì vậy, trong mùa Đông nên ăn nhiều thực phẩm có tính kiềm như rau xanh, khoai lang và các loại thực phẩm dễ tiêu hóa để bảo vệ dạ dày.
Tránh ăn các thực phẩm, đồ uống lạnh vào mùa Đông
Một trong những điều quan trọng nhất trong chế độ ăn uống vào mùa Đông là tránh tiêu thụ thực phẩm và đồ uống lạnh. Khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể cần nhiều năng lượng để duy trì thân nhiệt. Việc ăn hoặc uống các thực phẩm lạnh có thể khiến dạ dày phải làm việc vất vả hơn để tiêu hóa, từ đó dễ gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy hoặc viêm loét dạ dày…
Ngoài ra, thức ăn lạnh còn khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh và suy giảm hệ miễn dịch, đặc biệt trong thời tiết mùa Đông. Vì vậy, trong mùa lạnh, nên chọn các món ăn nóng như cháo, súp, canh hầm… để cung cấp năng lượng và giữ ấm cho cơ thể. Tuy nhiên, không nên ăn quá cay, quá nóng, đề phòng dương khí bị tiêu hao hoặc âm dịch bị thương tổn.
Các thực phẩm có tính lạnh như đá, dưa hấu, quả cam, lê hoặc thực phẩm từ biển như cua, tôm… có thể làm cơ thể dễ bị hàn, suy yếu khí huyết và dễ mắc các bệnh về tiêu hóa.
Thay vào đó, có thể bổ sung các loại gia vị ấm như gừng, tỏi, hành tây để hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng. Nên ăn những thực phẩm như ngó sen, mộc nhĩ để dưỡng âm. Thịt dê có tính ấm nóng để tráng dương, làm cho dương khí bên trong được mạnh mẽ. Các loại thịt bò, thịt gà, tủy bò có tính ấm, chứa nhiều âm tinh, giúp ích khí tư âm rất tốt trong mùa Đông.
Uống không đủ nước
Uống không đủ nước là sai lầm phổ biến nhất mà con người thường làm trong mùa Đông. Vào mùa Đông, cơ thể không đổ mồ hôi, do đó nhiều người lười uống nước. Tuy nhiên cũng giống như mùa hè, uống đủ nước vào mùa Đông rất quan trọng. Vì cơ thể cần nước để hoạt động hydrat hóa diễn ra bình thường, giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, tăng cường miễn dịch, giữ cho làn da mịn màng.
Tránh ăn quá mặn
Mùa Đông khiến cơ thể dễ mất nước hơn do không khí khô hanh. Ăn quá mặn sẽ làm cơ thể mất thêm nhiều nước, dẫn đến khô da, khô môi và tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Theo Y học cổ truyền, những tháng mùa Đông thuộc Thận thủy (Thận chủ vị mặn). Thủy khắc hỏa (vị mặn đi vào Thận, thủy sẽ vượng, khắc hỏa). Hỏa thuộc Tâm, sẽ làm thương tổn đến Tâm mà gây ra Tâm bệnh. Vì thế mùa Đông nên giảm ăn mặn, tăng ăn những thực phẩm có vị đắng.
Mùa Đông là thời điểm cơ thể cần được chăm sóc đặc biệt và chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe. Bằng cách kiêng kỵ các thực phẩm có thể làm suy yếu cơ thể và thay thế chúng bằng những món ăn bổ dưỡng, ấm áp, sẽ giúp cơ thể chống lại cái lạnh và duy trì một cơ thể khỏe mạnh trong suốt mùa Đông.
>> Bác sĩ Anh chỉ ra thói quen ăn uống làm tăng gấp đôi tỷ lệ ung thư ở người trẻ 
Ngồi làm việc quá lâu rất hại sức khỏe, ngay cả khi bạn còn trẻ và tập luyện thể thao 
Mùa cưới 2024: Bác sĩ khuyên các cặp đôi khám sức khỏe tiền hôn nhân