Các lô hàng may mặc và giày dép từ các nhà sản xuất ở Đông Nam Á tới Mỹ đã giảm từ 20% đến 30% về giá trị trong bốn tháng đầu năm nay.
Theo Nikkei Asia, các nhà sản xuất hàng may mặc và giày dép lớn ở Đông Nam Á đang ghi nhận hoạt động thương mại sang thị trường Mỹ sụt giảm trong năm nay.
Nguyên nhân là lạm phát cao khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Tình trạng này khiến những người trong ngành và chuyên gia cảnh báo về một triển vọng ảm đạm hơn nữa trong thời gian tới.
Xuất khẩu may mặc suy giảm
Xuất khẩu hàng may mặc và giày dép từ các nhà sản xuất ở Campuchia, Bangladesh, Myanmar và Việt Nam đã giảm 20 - 30% về giá trị trong 4 tháng đầu năm nay, theo phân tích của Nikkei Asia dựa trên dữ liệu hải quan mới nhất của Mỹ.
Không chỉ tại Mỹ, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) cũng bắt đầu chậm lại. Số liệu cùng kỳ cho thấy xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang châu Âu giảm 3% và Campuchia cũng giảm nhẹ.
Việt Nam may mắn hơn, đó là nhờ Hiệp định thương mại tự do với châu Âu nên xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU đã tăng gần 20% trong 4 tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu của Myanmar sang EU duy trì mức tăng trưởng một con số.
Tuy nhiên, số liệu của riêng tháng 4 cho thấy lượng hàng xuất khẩu đã giảm đáng kể so với tháng trước.
Ông Ken Loo, Tổng thư ký của Hiệp hội Dệt may, Giày dép & Du lịch tại Campuchia, cho rằng lạm phát cao và kinh tế suy yếu do xung đột Nga – Ukraine là hai lý do dẫn đến sự suy giảm này. Nó đã bắt đầu từ năm ngoái và có thể sẽ tiếp tục trong suốt năm 2023.
Ông Loo cho biết Quốc hội Mỹ đã không gia hạn điều khoản ưu đãi, cho phép một số hàng hoá từ các nước đang phát triển được miễn thuế khi vào thị trường Mỹ. Đây chắc chắn là một yếu tố dẫn đến xuất khẩu hàng hóa du lịch giảm 27% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở Bangladesh, bức tranh của ngành may mặc cũng ảm đạm. Theo ông Mostafiz Uddin, giám đốc điều hành một nhà máy may mặc: “Có khá nhiều điều không chắc chắn vào lúc này. Tất cả chúng tôi đều đang chờ xem phần còn lại của năm sẽ diễn ra như thế nào”.
Thách thức của các doanh nghiệp thời trang
Sheng Lu, phó giáo sư tại khoa nghiên cứu thời trang và may mặc của Đại học Delaware, cho biết các công ty thời trang phải đối mặt với thách thức trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng do lạm phát cao ảnh hưởng tới ngân sách hộ gia đình, buộc họ phải ưu tiên cho chi phí sinh hoạt hơn mua sắm tùy thích.
"Vật lộn với tình trạng nhu cầu giảm, nhiều công ty thời trang Mỹ đã chọn cắt giảm đơn đặt hàng và giảm hàng lưu kho, dẫn đến khối lượng giao dịch giảm", ông Lu nói, đồng thời cho biết thêm tình trạng không chắc chắn đã gây thêm áp lực khi các thương hiệu bắt đầu lên kế hoạch cho hàng hóa mùa Xuân năm 2025.
Một số thương hiệu lớn đã phải sa thải nhân viên trong những tháng gần đây. Nhà bán lẻ Gap của Mỹ đã thông báo vào tháng 4 rằng họ sẽ cắt giảm khoảng 1.800 nhân viên, trong khi gã khổng lồ H&M của Thụy Điển được cho là sẽ sa thải 1.500 công nhân vào tháng 11 năm nay.
Ông Lu cho rằng ngoài áp lực kinh tế, các thương hiệu thời trang Mỹ cũng đang phải đối phó với những căng thẳng thương mại.
“Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng không chắc chắn, việc giảm rủi ro trong nguồn cung ứng cũng như có nguồn cung linh hoạt là một trong những ưu tiên hàng đầu của các công ty thời trang năm nay”, theo chuyên gia Lu.
Kết quả, nhiều thương hiệu chọn đa dạng hóa cơ sở tìm nguồn cung ứng của họ hơn nữa. Thế nhưng, các quốc gia ở Đông Nam Á sẽ vẫn hấp dẫn. “Bởi không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy các cơ sở sản xuất mới đạt đủ tiêu chí”, ông Lu nói thêm.
Mỹ tung đòn trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay vào 'đầu tàu' kinh tế Nga 
Bank of America: Không phải cắt giảm, Fed thậm chí sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tới