Điều tra vụ phá hơn 5,5ha rừng phòng hộ đầu nguồn để trồng mía ở Gia Lai
Cơ quan chức năng huyện Chư Sê (Gia Lai) đang điều tra vụ phá hơn 5,5ha rừng phòng hộ đầu nguồn để trồng mía trái quy định tại tiểu khu 1065 thuộc lâm phần xã HBông quản lý.
Sáng 20/1, ông Thái Thượng Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê (Gia Lai) thông tin, đơn vị vừa phối hợp với chính quyền xã HBông kiểm tra, phát hiện tình trạng lấn chiếm rừng phòng hộ để trồng mía  tại tiểu khu 1065, lâm phần do địa phương này quản lý.
Theo ông Hải, quá trình kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện tại lô 30, khoảnh 1 (tiểu khu 1065), có 2,56 ha diện tích rừng phòng hộ đấu nguồn (trạng thái rừng tự nhiên rụng lá phục hồi) bị chặt phá.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện tại lô 30, khoảnh 1 (tiểu khu 1065) có 2,56 ha diện tích rừng phòng hộ đấu nguồn (trạng thái rừng tự nhiên rụng lá phục hồi) bị chặt phá.
Tiếp đó, tại lô 7, khoảnh 2 (tiểu khu 1065) còn có 2 vị trí với tổng diện tích 2,98ha rừng phòng hộ đầu nguồn (trạng thái rừng tự nhiên rụng lá kiệt) cũng bị chặt phá, cày xới.
Tại thời điểm kiểm tra, cả 3 vị trí đều đã bị cày xới và trồng mía trên toàn bộ diện tích, xung quanh diện tích cày xới trên có trảng cỏ, cây bụi và cây tái sinh. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chưa xác định được thời điểm phá rừng cũng như đối tượng vi phạm.
“Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản giao cho UBND xã HBông chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn xã HBông và các lực lượng của xã HBông trông coi, giữ nguyên hiện trạng, nghiêm cấm mọi tác động đến hiện trường trong thời gian điều tra, xác minh”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê thông tin.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê, sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị đã phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện và UBND xã Hbông tiến hành khám nghiệm hiện trường, đồng thời củng cố, hoàn thiện hồ sơ để khởi tố vụ án.
Còn ông Phạm Hữu Viên, Chủ tịch UBND xã HBông cho biết, trong quá trình xác minh, có một người dân trên địa bàn đứng ra nhận đã trồng số diện tích mía nói trên. Tuy nhiên, hiện công an đang điều tra nên chưa thể cung cấp danh tính.
Được biết, vào tháng 9/2021, cũng tại tiểu khu 1065 này, 34,6 ha rừng phòng hộ bị chặt phá, cày ủi san phẳng để trồng bạch đàn. Một thời gian sau, khi cây bạch đàn cao chừng 25-30cm thì chủ rừng và lực lượng chức năng mới phát hiện được.
>> Gia hạn điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đường mía thêm 2 tháng
Chủ tịch TPHCM cam kết gì với người dân Cần Giờ trong tháng 12 này? 
Chuyển điều tra vụ xây cảng biển phá 4.000m2 rừng phòng hộ ở Đồng Nai