Định giá đất tăng cao khiến chung cư bị đẩy giá lên mức 'phi lý'
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam nhận định việc một số dự án chung cư có giá lên đến hơn 500 triệu đồng/m2 là mức giá "phi lý".
Mới đây, tại Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường BĐS diễn ra vào ngày 27/11, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho biết đặc thù của BĐS Việt Nam là có dân số đông với khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện đang trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia nông nghiệp song công nghiệp với nhu cầu đô thị hóa lớn.
Theo dự báo, từ nay đến năm 2030 sẽ có khoảng 20 triệu dân từ khu vực nông thôn di cư ra các khu vực thành thị, do đó nhu cầu nhà ở tại các KĐT tăng nhanh, là nguyên nhân khiến cầu nhà ở rất lớn.
Thị trường BĐS hiện nay đóng góp 17% cho GDP cả nước, liên quan đến hơn chục ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế, việc phát triển BĐS cũng được xác định gắn liền với phát triển kinh tế và phát triển đô thị.
>> Tăng trưởng vượt trội, mặt bằng giá chung cư tại Hà Nội sắp vượt TP. HCM
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tạp chí Nhịp sống Thị trường |
Do đó, Chính phủ luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao đối với việc phát triển thị trường BĐS, đặc biệt luôn tìm cách tháo gỡ khó khăn cũng như vướng mắc cho BĐS trong nước.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, một trong những tín hiệu đáng mừng thời gian tới là việc Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết tháo gỡ điểm nghẽn, một trong những điểm nghẽn đầu tiên của thị trường BĐS là cho đất khác được chuyển đổi thành đất ở thương mại.
Nhằm mục tiêu phát triển bền vững thị trường BĐS, ông Hiệp cho rằng cần giải quyết dứt điểm những vấn đề có liên quan đến khâu người bán và người mua, giải quyết thực trạng người có hàng nhưng không có người mua khiến thị trường khó phát triển bền vững.
Để đáp ứng nhu cầu mua nhà của người dân, ông Nguyễn Quốc Hiệp đồng tình với ý kiến rằng các nhà đầu tư cần tính toán và cân đối để đưa ra mức giá bán hợp lý.
Chung cư tại Hà Nội bị đẩy giá lên mức "phi lý". Ảnh: Internet |
Ông cũng kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giá thị trường thông qua chính sách thuế. Theo đó, Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam đã đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình định giá đất, nhằm giải quyết điểm nghẽn thứ hai trong lĩnh vực này.
Thực tế, nhiều dự án hiện đang bị đình trệ do vướng mắc trong khâu định giá đất. Có dự án đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa thể định giá, dẫn đến tình trạng không bán được. Đặc biệt, tại một số khu vực, giá đất trong vòng 6 tháng đã tăng gấp đôi, tạo áp lực lớn lên thị trường.
“Nhiều dự án chung cư hiện có mức giá lên tới 500 triệu đồng/m2 – một con số 'phi lý', chủ yếu bắt nguồn từ việc giá đất bị đẩy lên quá cao” ông Hiệp nhận định.
Ông cũng cho biết, giá đất hiện chiếm tới 40% giá thành sản phẩm bất động sản, khiến giá bất động sản tại Việt Nam cao hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Ông Hiệp nhấn mạnh rằng, tốc độ tăng giá nhà chung cư trong thời gian qua chịu tác động lớn từ cơ cấu giá đất. Đây là vấn đề cần được các cơ quan quản lý nhà nước xem xét và tháo gỡ, nhằm kiểm soát giá bán, hỗ trợ người dân có nhu cầu mua nhà.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng thị trường bất động sản đang trong giai đoạn chuyển giao, rất nhạy cảm với những tác động tích cực hoặc tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài.
Ông nhận định, sự tăng trưởng nhẹ ở một số phân khúc có thể tạo động lực phục hồi mạnh mẽ, nếu được hỗ trợ bởi chính sách, hạ tầng và nguồn tài chính phù hợp. Tuy nhiên, nếu tình trạng tăng giá bất động sản không được kiểm soát sớm, thị trường và xã hội sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Để giải quyết vấn đề này, ông Đính cũng đề xuất Nhà nước cần sớm triển khai các biện pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở thương mại giá bình dân và nhà ở xã hội. Đồng thời, Chính phủ cũng cần ban hành thêm chính sách thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
>> Bộ Tài chính: Đánh thuế mua bán BĐS theo thời gian sở hữu để ngăn 'lướt sóng' và 'thổi giá'
Nam Định chuẩn bị đấu giá gần 700 lô đất, khởi điểm cao nhất lên tới hơn 3 tỷ đồng/lô 
Đấu giá đất rồi bỏ cọc: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tiền đến 1 tỷ đồng