Hiện nay, các vấn đề về phát triển năng lượng sạch và thúc đẩy chuyển đổi số nguồn năng lượng truyền thống đang được nhiều quốc gia, doanh nghiệp hàng đầu thế giới quan tâm nhằm kiến tạo nên tương lai mới cho ngành năng lượng.
Điều này còn giúp mang đến những đô thị thông minh xanh trong chiến lược phát triển bền vững dài hạn.
Trên thế giới, 7 năm kể từ khi 200 quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris (năm 2015), các nước như Mỹ, Trung Quốc hay khu vực châu Âu đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện cam kết về cắt giảm khí nhà kính, thúc đẩy mục tiêu giảm mức phát thải ròng phải bằng 0 vào năm 2050.
Trong đó, tổng tiêu thụ năng lượng đầu cuối có vai trò quan trọng nhằm khống chế mức nóng lên của trái đất dưới 1,5 độ C.
Để đạt được mục tiêu trên, các nước đã tiến hành chuyển đổi năng lượng bằng cách sản xuất nhiều năng lượng tái tạo hơn, triển khai các ứng dụng điện khí hóa và hydro (hydro xanh).
Theo kế hoạch, từ năm 2018 đến 2050, tỷ trọng sản xuất năng lượng tái tạo sẽ tăng lên từ 25% đến 90%, và tỷ trọng năng lượng tái tạo để sưởi ấm tập trung sẽ tăng từ 9% lên 90%.
Đến năm 2050, 66% hydro sẽ đến từ năng lượng tái tạo. Trong điện khí hóa, tỷ trọng điện năng tiêu thụ sẽ tăng từ 21% năm 2018 lên 51% năm 2050.
Về ứng dụng hydro trên quy mô lớn, hydro trong tiêu thụ năng lượng sẽ tăng từ 0 đến 12% vào năm 2050 (không bao gồm hydro công nghiệp được tiêu thụ làm nguyên liệu thô), trong đó 66% sẽ là hydro xanh.
Ông Lê Nho Thông - Phó giám đốc kinh doanh Công nghệ năng lượng số (Huawei Digital Power - HDP) của Huawei Việt Nam cho biết để hiện thực hóa kế hoạch trên, đơn vị đưa ra chiến lược tích hợp công nghệ kỹ thuật số và điện tử công suất, hướng đến nguồn năng lượng xanh và sạch hơn, ứng dụng trong việc hỗ trợ các khu đô thị chuyển đổi số bền vững với giao thông thông minh, xe điện, tòa nhà xanh… và nâng cấp mục tiêu đô thị carbon thấp lên "0 carbon".
Theo đó, các giải pháp carbon thấp có thể hỗ trợ các khu đô thị chuyển đổi số bền vững tại Việt Nam, dựa trên nỗ lực sản xuất điện sạch đến tiêu thụ điện năng hiệu quả.
"Đầu tiên, điện mặt trời thông minh đưa năng lượng mặt trời trở thành nguồn điện chính, thâm nhập vào các ngành công nghiệp và hộ gia đình.
Tiếp đó là cơ sở trung tâm dữ liệu (Data Center Facility) ứng dụng vào tiền chế, mô-đun hóa, xây dựng nền tảng số carbon thấp", ông Thông chia sẻ.
Bên cạnh đó còn những giải pháp quan trọng khác như nguồn cho trạm viễn thông (Site power) giúp giảm chi phí hoạt động trong mạng lưới và để các nhà mạng đạt được trung hòa carbon; mảng động cơ xe điện thông minh mPower đẩy nhanh quá trình điện khí hóa ngành ô tô; năng lượng tích hợp thông minh hội tụ nhiều đổi mới, giúp xây dựng các tòa nhà và khuôn viên (campus) carbon thấp. "Cuối cùng là đám mây năng lượng. Đây là nền tảng quản lý năng lượng và dữ liệu năng lượng thông minh", lãnh đạo HDP nhận định.
Ông Thông cũng cho biết thêm, tính đến hết tháng 6/2021, Huawei Digital Power đã tạo ra 403,4 tỉ kWh năng lượng xanh, tiết kiệm 12,4 tỉ kWh điện năng, giảm phát thải 200 triệu tấn khí carbon - tương đương trồng 270 triệu cây xanh.
THẾ GIỚI 24H: Vừa nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp 
Vừa nhậm chức, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris