Các doanh nghiệp và nông dân sẽ cùng phối hợp để người tiêu dùng có mức giá mua hợp lý hàng hoá dịp Tết 2023.
Đảm bảo nguồn cung thực phẩm Tết
TP Hồ Chí Minh dành ra 8.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng bình ổn thị trường Tết 2023. Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, hàng hóa bình ổn đã bắt đầu được tung ra để phục vụ người dân mua sắm Tết.
Mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh cần 10.000 tấn rau, củ, quả, thịt, thủy, hải sản, 700 tấn thịt lợn, 250.000 con gia cầm... Trong đó hàng bình ổn chiếm 30%.
Trong dịp Tết, nhu cầu mua sắm tăng cao nên lượng hàng bình ổn thị trường trong tháng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ đáp ứng từ 25 - 43% nhu cầu thị trường.
Các doanh nghiệp bình ổn sẽ cung ứng 30.000 tấn hàng tập trung tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tổng lượng hàng thực phẩm thiết yếu, lương thực bình ổn cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày.
Bình ổn giá cả
Thực tế hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Theo quy luật thị trường, khi giá đầu vào tăng cao thì giá bán ra cũng tăng theo. Tuy nhiên chưa năm nào doanh nghiệp bình ổn lại phải đối mặt với bài toán chi phí đầu vào tăng cao nhưng lại không tăng được giá bán. Sức mua thấp là điểm nghẽn khiến doanh nghiệp buộc phải tìm các giải pháp khác để bình ổn mùa Tết.
Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu, Đồng Nai đã phải trữ đông hàng chục tấn thực phẩm vì không tiêu thụ được. Mùa Tết này, doanh nghiệp đã chọn phương án chế biến sâu thịt lợn để phục vụ người tiêu dùng. Do hạn chế được khâu trung gian nên sản phẩm được bán với giá bình ổn.
Ngoài việc cơ cấu lại sản xuất để tiết kiệm chi phí, giải pháp thu hẹp lợi nhuận của doanh nghiệp để người tiêu dùng được mua với giá tốt, bình ổn đang là phương án được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để kích cầu tiêu dùng.
Theo lãnh đạo Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm bớt đi, chia sẻ với người tiêu dùng, mục tiêu để kích cầu giúp lượng hàng hoá tiêu thụ lớn hơn.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, kiểm soát giá và giữ giá bình ổn cho thị trường. Trước và trong Tết 1 tháng, sở đã thực hiện công tác giữ giá đó. Các doanh nghiệp bình ổn không được tăng giá trong 2 tháng trước và sau Tết.
Cũng theo cam kết của các doanh nghiệp bình ổn TP Hồ Chí Minh, hàng bình ổn rẻ hơn thị trường 5 - 15%.
Doanh nghiệp cùng nông dân bình ổn thị trường
Doanh nghiệp cắt giảm lợi nhuận. Còn nông dân có giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất. Sự kết hợp của doanh nghiệp và nông dân sẽ là cơ sở để người tiêu dùng có một giá mua hợp lý. Mặt hàng thực phẩm sẽ có được sự bình ổn trước, trong và sau Tết. Nhiều mô hình đã được triển khai thành công khi có chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, từ đó ổn định giá mua và giá bán.
Bán được hàng hóa với giá ổn định kể cả khi thị trường đang bị ùn ứ, những nông dân trong chuỗi liên kết trứng gia cầm quyết định mở rộng quy mô đàn. Không bị đứt gãy chuỗi cung ứng nên doanh nghiệp yên tâm đủ nguyên liệu để bình ổn thị trường.
Trong bối cảnh liên tục bị đứt gãy chuỗi cung ứng như hiện nay, việc bình ổn giá cho nông dân góp phần giúp doanh nghiệp có lợi thế lâu dài khi tham gia bình ổn thị trường. Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt mỗi ngày cho ra thị trường khoảng 700.000 - 1.000.000 quả trứng, nhưng không bị gãy nguồn cung.
Để doanh nghiệp bình ổn có thể kéo giảm giá thành bán ra luôn thấp hơn thị trường từ 5 -15% cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu, điều tiết chính sách linh hoạt để hỗ trợ cả người tiêu dùng, chuỗi sản xuất được cùng hưởng lợi.
Bên cạnh vai trò và sự chủ động của doanh nghiệp và nhà nông, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để dự trữ, bình ổn giá cả cho dịp Tết Nguyên đán năm 2023.
Bộ Tài chính: Hàng hoá 'không tăng giá bất hợp lý' dịp cận Tết Nguyên đán 2024 
Các địa phương chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường Tết