Doanh nghiệp

Doanh nghiệp giải thể nhiều hơn doanh nghiệp mới thành lập: Nền kinh tế chưa hết khó khăn

Khúc Văn 01/04/2024 04:00

Quý I/2024, cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, số rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp.

Doanh nghiệp giải thể nhiều hơn doanh nghiệp mới thành lập

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 của Tổng Cục Thống kê cho thấy, trong tháng 3, cả nước có 14,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có hơn 3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Trong khi đó, tháng 3 ghi nhận 4.139 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 4.980 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Doanh nghiệp giả thể nhiều hơn doanh nghiệp mới thành lập: Nền kinh tế chưa hết khó khăn
Trong tháng 3, cả nước có 14,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.

Tính chung quý I/2024, cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

>>Gần 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý I

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

So sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.

Thực trạng số doanh nghiệp rời thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp mới thành lập phần nào cho thấy những khó khăn của nền kinh tế vẫn chưa vơi đi.

“Kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức không hề nhỏ của nền kinh tế có độ mở lớn”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh (CIEM) cho rằng, thông thường, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thời điểm đầu năm thường thấp hơn so với các tháng giữa năm và cuối năm do rơi vào các tháng Tết có số ngày nghỉ dài.

Dù thấp hơn các giai đoạn khác song số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui. Vì vậy, hiện tượng doanh nghiệp rút lui cao đột biến, hơn cả doanh nghiệp gia nhập thị trường xu hướng đi ngược so với trước đây.

Điều này cho thấy, doanh nghiệp đang ngày càng trở nên suy kiệt sau hơn hai năm phải cố gắng bươn chải duy trì hoạt động sau Covid-19 và ứng phó với các yếu tố khó khăn bên ngoài.

“Kể từ sau Covid-19, những khó khăn của doanh nghiệp chưa bao giờ hết như đầu ra gặp khó, giá nguyên phụ liệu tăng cao, lãi suất cao… Sang năm 2024, những khó khăn này không chỉ tác động đến các doanh nghiệp nhỏ, mà còn tác động đến ngay cả doanh nghiệp có quy mô lớn”, bà Thảo nêu rõ.

>>Thép Pomina (POM): Khi doanh nghiệp và cổ đông cùng 'khóc'

Kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng Chính phủ xem xét tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ hỗ trợ doanh nghiệp như: giãn, hoãn thời hạn nộp một số khoản thuế, phí cho doanh nghiệp; tiếp tục tháo gỡ rào cản về môi trường pháp lý, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, tạo niềm tin cho khu vực doanh nghiệp..

“Đặc biệt, Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt, phù hợp, giữ ổn định vĩ mô; đồng thời, đánh giá tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý. Từ đó, đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, giảm tác động đến mức sống của người dân”, ông Lâm nói.

Doanh nghiệp giả thể nhiều hơn doanh nghiệp mới thành lập: Nền kinh tế chưa hết khó khăn
Các chuyên gia đề xuất nên kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều bất định của thế giới, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt các chính chính này cần phải ổn định và thuận lợi khi tiếp cận.

Ông Tuấn đề xuất, một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là kéo dài chính sách hỗ trợ thuế, phí như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm vì đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.

“Đối với những chính sách hỗ trợ về giảm thuế phí thì doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được ngay, còn những chính sách hỗ trợ về vốn nếu không thực chất thì mức độ ảnh hưởng lan tỏa ít. Đây là bài học để chúng ta thiết kế chính sách cho doanh nghiệp trong năm 2024”, ông Tuấn nêu.

>>Miền Tây 'thiếu và yếu': 90% doanh nghiệp 'chết yểu', tỷ lệ thất nghiệp cao nhất cả nước

Hacker lợi dụng công cụ TeamViewer để tấn công mã hóa dữ liệu doanh nghiệp Việt

Thép Pomina (POM): Khi doanh nghiệp và cổ đông cùng 'khóc'

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-gia-the-nhieu-hon-doanh-nghiep-moi-thanh-lap-nen-kinh-te-chua-het-kho-khan-228506.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Doanh nghiệp giải thể nhiều hơn doanh nghiệp mới thành lập: Nền kinh tế chưa hết khó khăn
    POWERED BY ONECMS & INTECH