Doanh nghiệp 'lọt vòng trong' dự án Sân bay Long Thành: Tiền sụt giảm, lỗ quý II
Liên danh Vietur có cơ hội giành được hợp đồng thi công gói thầu 5.10 trị giá 35.233 tỷ đồng thuộc dự án Sân bay Long Thành. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào trong nhóm cũng có tình hình kinh doanh, sức khỏe tài chính tốt.
Sau gần 2 tháng chấm thầu, hôm 1/8, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư dự án Sân bay Long Thành công bố, liên danh Vietur đã vượt qua 2 đối thủ khác và trở thành liên danh duy nhất đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật tại gói thầu 5.10 dự án Sân bay Long Thành (gói thầu lớn nhất, trị giá hơn 35.200 tỷ đồng) và sẽ tiếp tục dự thầu đánh giá năng lực tài chính.
VNDirect cho rằng, Vietur có cơ hội lớn giành được gói thầu này, tạo tiền đề giúp dự án Sân bay Long Thành đáp ứng được tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra (khởi công trong tháng 8/2023).
Liên danh Vietur gồm 10 thành viên, do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại-Xây dựng ICISTAS của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. Trong liên danh này có sự xuất hiện của 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch HĐQT Coteccons - là: Newtecons, Ricons và SOL E&C.
Bên cạnh đó, còn có Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG); Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HAN); Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (CC1); CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC)…
Một số điều kiện về năng lực tài chính liên danh phải có, bao gồm: nguồn vốn đối ứng của nhà thầu tham gia là 3.224 tỷ đồng; nhà thầu có giá trị tài sản ròng trong năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu phải dương; doanh thu bình quân 5 năm tài chính gần nhất (không bao gồm thuế VAT) có giá trị tối thiểu 19.800 tỷ đồng.
Các tiêu chí này đều không phải trở ngại quá lớn đối với liên danh Vietur.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào trong nhóm cũng có sức khỏe tài chính tốt.
Xây dựng Số 1: Tiền mặt, tài sản suy giảm
Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1) là doanh nghiệp chuyên xây lắp các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, cơ sở hạ tầng và các công trình năng lượng lâu đời tại Việt Nam.
Mặc dù có lịch sử hoạt động lâu đời nhưng CC1 có quy mô khá khiêm tốn với vốn điều lệ gần 3.290 tỷ đồng. Sức khỏe tài chính và tình hình kinh doanh có xu hướng đi xuống trong thời gian gần đây.
Theo báo cáo tài chính quý II/2023, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 ghi nhận tổng tài sản giảm gần 1.170 tỷ đồng so với đầu năm xuống còn 14.415 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tại CC1 giảm nhanh từ hơn 1.639 tỉ đồng về còn 897 tỷ đồng, tương ứng mức suy giảm 55% trong 6 tháng. Trong đó, tiền gửi ngân hàng còn 320 tỷ đồng, so với mức hơn 1.200 tỷ đồng hồi đầu năm.
Vốn chủ sở hữu cũng giảm từ mức 4.162 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn gần 4.053 tỷ đồng.
Doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm gần 36% so với cùng kỳ xuống còn 1.782 tỷ đồng. Tính riêng trong quý II, doanh thu của CC1 giảm 22% xuống còn gần 1.237 tỷ đồng.
Trong quý II, CC1 báo lỗ hơn 2,5 tỷ đồng, so với mức lãi gần 13,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận giảm hơn 5,1 lần xuống chỉ còn gần 5,8 tỷ đồng.
Tính tới cuối tháng 6/2023, CC1 ghi nhận các khoản phải thu lên tới 8.085 tỷ đồng (6.906 tỷ đồng phải thu ngắn hạn), chiếm 56% tổng tài sản. Doanh nghiệp này ghi nhận chi phí xây dựng dở dang ở mức 2.497 tỷ đồng, tăng so với mức 2.118 tỷ đồng hồi đầu năm.
Giải trình về kết quả kinh doanh trong kỳ, CC1 cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2023 giảm so với cùng kỳ là do tình hình hoạt động chung của ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Vay nợ lớn
Trong khi gửi ngân hàng chỉ vài trăm tỷ đồng nhưng CC1 có vay và nợ thuê tài chính ngắn dài hạn lớn, tổng cộng hơn 6.628 tỷ đồng, trong đó có 2.048 tỷ đồng ngắn hạn. Trong đó, chủ yếu là 3 lô trái phiếu trị giá 2.650 tỷ đồng lãi suất 10%/năm; khoản nợ thuê tài chính dài hạn hơn 1.277 tỷ đồng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam; khoản vay Ngân hàng TPBank, BIDV, SHB, Vietinbank, NamABank, Vietcombank…
Các khoản vay ngắn hạn ngân hàng chịu lãi từ 6,3% đến 13,4%/năm. Các khoản vay dài hạn ngân hàng chịu lãi suất từ 8,6% đến 10,9%/năm.
Trong 6 tháng, CC1 phải chi ra hơn 189 tỷ đồng trả chi phí lãi vay, tương đương trung bình hơn 1 tỷ đồng/ngày. Riêng trong quý II/2023, CC1 phải trả hơn 125 tỷ đồng lãi vay, so với mức 103,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Điều này có nghĩa CC1 phải trả gần 1,4 tỷ đồng/ngày tiền lãi trong quý II. Đây cũng là lý do khiến CC1 lỗ hơn 2,5 tỷ đồng.
Bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý II, cổ phiếu CC1 tăng gần gấp đôi trong 3 tháng qua lên trên ngưỡng 20.100 đồng/cp.
Tổng Công ty Xây dựng Số 1 ra đời năm 1979 và IPO năm 2016. Tính đến cuối năm 2022, công ty chỉ có một cổ đông lớn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Huấn, nắm hơn 11% vốn điều lệ và ông Trần Tấn Phát nắm gần 4,5%.
CCI có nhiều dự án xây dựng nổi bật như: Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy xi măng Sao Mai (Holcim), Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, Nhà máy Thủy điện Trị An, Nhà máy thủy điện Thác Mơ, Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, cầu Thủ Thiêm, Đường sắt đô thị TP.HCM - Tuyến số 1, Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cảng Container Quốc tế SP-SSA, khu đô thị King Crown Infinity, Dream City Hưng Yên…
Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo mới đối với dự án sân bay Long Thành 
Một nhà thầu tại dự án sân bay Long Thành được chọn thi công cầu Phong Châu mới tại Phú Thọ