Chứng nhận VietGAP được cấp cho doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về an toàn. Tuy nhiên hiện nay, nhiều cơ sở lại mua rau, củ ngoài chợ rồi dán nhãn VietGAP.
(TyGiaMoi.com) - Chứng nhận VietGAP là gì?
Chứng nhận VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là "thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Theo đó, VietGAP gồm những tiêu chuẩn, quy phạm quy định về thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam; bao gồm những trình tự, nguyên tắc, thủ tục để hướng dẫn các cá nhân, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo đó, để đạt được chứng nhận VietGAP, doanh nghiệp cần đạt 4 tiêu chí để làm căn cứ đánh giá.
Tiêu chí thứ là về kỹ thuật sản xuất. Yêu cầu về kỹ thuật sản xuất là tiêu chí đặt ra đầu tiên của chứng nhận VietGAP mà doanh nghiệp phải đạt được. Trong đó bao gồm: phương thức canh tác, thu hoạch cũng như những tiêu chuẩn về hạt giống (trồng trọt), con giống (thủy sản, chăn nuôi), nguồn nước, nguồn đất.
Kế đến là môi trường làm việc. Môi trường làm việc phải có đầy đủ tiêu chuẩn an toàn lao động cần thiết mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động, bảo vệ tốt nhất cho người lao động về sức khỏe.
An toàn thực phẩm là tiêu chí thứ ba. Đây là tiêu chí rất quan trọng để doanh nghiệp có thể đạt chứng nhận VietGAP. Để đảm bảo được về chất lượng thực phẩm trong toàn bộ khâu canh tác, doanh nghiệp phải đảm bảo thực phẩm không bị ô nhiễm, không được sử dụng các chất bảo quản, dư lượng kháng sinh, chỉ được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép theo quy định.
Cuối cùng là đảm bảo nguồn gốc sản phẩm, các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo về chất lượng cũng như giúp cho việc kiểm tra xuất xứ sản phẩm.
(TyGiaMoi.com) - "Mua" giấy chứng nhận VietGAP có thể bị phạt tới 150 triệu
Dẫn nguồn Tuổi trẻ, hiện nay, tồn tại một số cơ sở được cấp chứng nhận "đánh giá online", chỉ cần gửi mẫu (đất, nước, rau của vườn) tới văn phòng, chứ đơn vị không cử nhân viên đến vườn vì "mất thời gian xử lý".
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở mua rau, củ ngoài chợ, dán nhãn VietGAP rồi mang đi rao tại các siêu thị, cửa hàng. Dù không nhận gửi mẫu đất, nước và rau để kiểm nghiệm, nhiều đơn vị khẳng định sẽ cấp được chứng nhận VietGAP một cách nhanh chóng.
Trên thực tế, theo số liệu không đầy đủ, trong lĩnh vực trồng trọt hiện có trên 40 tổ chức công nhận chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực VietGAP. Trong đó, Cục Trồng trọt cấp cho 12 tổ chức, còn trên 30 tổ chức do Bộ Khoa học - Công nghệ hoặc Cục Quản lý chất lượng cấp.
Tình trạng tràn lan việc cấp giấy chứng nhận VietGAP là vấn đề gian lận thương mại, chứ không phải cấp tràn lan từ cơ quan quản lý như Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Cục Trồng trọt và Cục Quản lý chất lượng cấp), Bộ Khoa học - Công nghệ. Khi các tổ chức đảm bảo đủ các yêu cầu theo nghị định 107/2016 của Chính phủ ban hành thì mới được cấp.
Nếu các tổ chức được cấp quyết định công nhận sự phù hợp VietGAP mà cấp không đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn VietGAP sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Áp theo quy định của nghị định 119/2017, ở khoản 4, điều 21 là phạt tiền từ 100 - 150 triệu đồng; tịch thu giấy phép hoạt động. Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cho biết.
Theo khoản 4, điều 21, nghị định 119/2017 quy định:
Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện đánh giá sự phù hợp nhưng cấp kết quả đánh giá sự phù hợp;
b) Thực hiện hoạt động tư vấn cho tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận;
c) Không thực hiện khắc phục vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Rau dỏm "đội lốt" VietGAP vào siêu thị: Ai sẽ bồi thường cho người tiêu dùng?