Doanh nghiệp Nhật Bản quyết tâm chiến đấu chống "khủng bố bán thời gian"
Hành vi quá trớn của nhân viên bán thời gian tại một số doanh nghiệp ở Nhật Bản đã khiến dư luận phẫn nộ. Các công ty Nhật Bản cũng quyết tâm chống lại xu hướng “khủng bố bán thời gian” này.
Khủng bố bán thời gian là gì?
Truyền thông Nhật Bản sử dụng thuật ngữ này để chỉ hành vi tồi tệ của nhân viên bán thời gian - chủ yếu tại các nhà hàng và cửa hàng tiện lợi. Một số trường hợp tự chuốc lấy rắc rối khi đăng video về hành vi sai trái của bản thân để khoe trên mạng xã hội .
Hiện tượng này khác với “khủng bố sushi” gây chú ý vào năm ngoái sau một loạt trò đùa về vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng. Tuy nhiên, “khủng bố sushi” thường là khách hàng thay vì nhân viên. Một số video về “khủng bố sushi” gây phẫn nộ tại Nhật Bản bao gồm cảnh một số người cho mù tạt vào những miếng sushi di chuyển qua băng chuyền hoặc liếm chiếc thìa trong hộp đựng bột trà xanh được nhiều thực khách khác sử dụng...
Trong khi đó, “khủng bố bán thời gian” đã rộ lên trong thời gian gần đây. Truyền thông Nhật Bản chỉ trích mạnh mẽ hiện tượng này. Một ví dụ tiêu biểu là nhân viên của chuỗi nhà hàng Domino’s Pizza đăng video lên mạng xã hội X, trước đây là Twitter, cảnh anh ta dùng tay ngoáy mũi rồi chà lên bột làm đế pizza. Trước đó, xuất hiện video nhân viên làm việc bán thời gian tại một nhà hàng quay cảnh anh ta phun kem dành cho món tráng miệng của thực khách vào miệng một đồng nghiệp.
Tờ Guardian (Anh) đưa tin Nhật Bản vốn tự hào về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cao, những vụ việc trên thực sự đã gây sốc.
Domino's Pizza Nhật Bản nhanh chóng trấn an dư luận rằng tất cả bột bánh pizza của nhà hàng đã bị vứt đi. Domino's Pizza Nhật Bản thông báo: “Chúng tôi muốn bày tỏ xin lỗi sâu sắc nhất tới khách hàng vì bất kỳ khó chịu và bất tiện nào phát sinh. Kể từ bây giờ, toàn bộ công ty sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn sự việc tái diễn và khôi phục niềm tin”.
Biện pháp chống khủng bố bán thời gian
Các doanh nghiệp Nhật Bản  đang đấu tranh để bảo vệ danh tiếng của họ và quan trọng là bảo vệ lợi nhuận của họ.
Theo tờ Mainichi Shimbun, một công ty bảo hiểm đã bán “bảo hiểm chi phí danh tiếng” cách đây 4 năm. Chương trình này giả định rủi ro liên quan đến các bài đăng trực tuyến, bao gồm khủng bố bán thời gian và thực phẩm và đồ uống bị nhiễm bẩn. Loại bảo hiểm này chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh sau sự cố, bao gồm tư vấn pháp lý và xóa nội dung trực tuyến. Công ty bảo hiểm cho biết số lượng hàng mua “bảo hiểm chi phí danh tiếng” vào tháng 12/2023 đã tăng 20% so với cùng kỳ một năm trước đó.
Một công ty bảo hiểm khác cũng cung cấp chương trình này đã ghi nhận số lượng khách hàng ký hợp đồng tăng lên hàng năm, với tổng cộng khoảng 20.000 trường hợp tính đến cuối năm 2023, sau 3 năm triển khai.
Các doanh nghiệp cũng quyết hành động để chống lại thủ phạm. Một số đã khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Một vài nghi phạm đã bị bắt giữ vì nghi ngờ cố tình cản trở hoạt động kinh doanh. Những người bị kết án có thể phải đối mặt với ba năm tù và mức phạt tối đa là 500.000 yên.
Lạm phát Nhật Bản vượt dự báo, hỗ trợ đặt cược tăng lãi suất của BOJ 
Số ca sinh ở Nhật Bản đạt mức thấp kỷ lục 
Lạm phát Nhật Bản vượt dự báo, hỗ trợ đặt cược tăng lãi suất của BOJ