Doanh nghiệp phá sản kỷ lục tại Đức và Pháp gây lo ngại suy thoái toàn châu Âu
Doanh nghiệp Đức và Pháp phá sản ở mức kỷ lục trong năm 2024, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho kinh tế châu Âu.
Năm 2024, nền kinh tế Đức và Pháp đối mặt với làn sóng phá sản doanh nghiệp ở mức cao kỷ lục. Tại Đức, số vụ phá sản trong quý IV/2024 đạt 4.215, đây là mức cao nhất kể từ năm 2009, ảnh hưởng trực tiếp đến gần 38.000 việc làm. Tình hình tại Pháp còn nghiêm trọng hơn, với 66.420 doanh nghiệp rơi vào tình trạng vỡ nợ trong cả năm, vượt xa con số từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp phá sản tại Đức và Pháp không chỉ là vấn đề nội bộ mà còn gây áp lực lớn lên toàn khu vực châu Âu. Ảnh minh hoạ |
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Halle (IWH), nguyên nhân chính khiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng là do sự kết thúc của thời kỳ lãi suất cực thấp. Chính sách lãi suất tăng nhanh đã đẩy chi phí vay vốn lên cao, tạo gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việc chính phủ ngừng các khoản trợ cấp trong thời kỳ đại dịch COVID-19 cũng là một nguyên nhân quan trọng. Những khoản hỗ trợ này trước đây giúp duy trì tỷ lệ phá sản  ở mức thấp bất thường, nhưng khi chúng bị dừng lại, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động.
Ngoài ra, giá nguyên vật liệu và chi phí năng lượng tăng cao đã làm cho gánh nặng tài chính trở nên không thể chịu đựng đối với nhiều công ty. Các khoản vay được bảo lãnh trong đại dịch (PGE) giờ đây cũng trở thành áp lực lớn khi đến kỳ trả nợ.
Theo ông Alain Tordjman, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế tại Hiệp hội Ngân hàng Nhân dân và Quỹ Tín dụng Pháp (BPCE), nhu cầu thị trường yếu, cùng với sự tập trung tăng trưởng chủ yếu vào các doanh nghiệp lớn, đã khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu thiệt hại nặng nề.
Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp phá sản tại Đức và Pháp không chỉ là vấn đề nội bộ mà còn gây áp lực lớn lên toàn khu vực châu Âu.
Trước tiên, suy giảm kinh tế tại hai nền kinh tế lớn nhất khu vực có thể kéo theo sự giảm sút GDP của toàn châu Âu. Khi hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động, thất nghiệp gia tăng sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng, đẩy khu vực vào nguy cơ suy thoái kéo dài.
Tiếp theo, hệ thống tài chính của khu vực cũng đối mặt với rủi ro lớn khi nợ xấu gia tăng. Các ngân hàng và tổ chức tài chính tại Đức và Pháp sẽ chịu tác động nặng nề, làm giảm lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường vốn. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào kinh tế Đức và Pháp, như Ý, Tây Ban Nha hoặc các nước Đông Âu, sẽ phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược phát triển nếu không muốn bị kéo vào khủng hoảng.
Cuối cùng, môi trường đầu tư tại Đức và Pháp trở nên kém hấp dẫn hơn. Sự bất ổn kinh tế, kết hợp với chi phí kinh doanh gia tăng và nguy cơ mất mát tài sản, khiến các nhà đầu tư quốc tế và nội địa cân nhắc rút vốn hoặc trì hoãn các dự án đầu tư mới. Hậu quả là dòng vốn FDI sụt giảm, làm mất cơ hội nâng cấp hạ tầng, công nghệ và năng lực sản xuất của cả hai quốc gia.
Khi Đức và Pháp, hai quốc gia chiếm phần lớn GDP của khu vực Eurozone, đối mặt với khủng hoảng, niềm tin vào đồng Euro cũng bị ảnh hưởng. Nhà đầu tư quốc tế có thể chuyển hướng sang các tài sản an toàn hơn như đồng USD, đồng Yên Nhật hoặc vàng. Điều này không chỉ làm đồng Euro suy yếu mà còn gây bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu.
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực, Liên minh châu Âu (EU) cần có hành động phối hợp mạnh mẽ. Việc thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, tăng cường niềm tin của nhà đầu tư thông qua các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp với đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng và công nghệ, sẽ tạo động lực tăng trưởng bền vững.
Sự gia tăng phá sản doanh nghiệp tại Đức và Pháp không chỉ là bài toán riêng lẻ mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn châu Âu về việc tăng cường sức chống chịu trước những bất ổn kinh tế và chính trị.
>>Việt Nam lọt top quốc gia có chi phí sinh hoạt rẻ nhất nhì thế giới 
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Căng thẳng Mỹ-Trung dưới thời Trump 2.0 và hàm ý đối với Việt Nam 
Hơn 140.000 khách 'đổ bộ' sân bay Tân Sơn Nhất ngày ông Công ông Táo