Doanh nghiệp thủy sản 4.100 nhân sự cân nhắc rút khỏi Mỹ nếu thuế quan bất lợi
Quý I/2025, một doanh nghiệp thủy sản ghi nhận doanh số hơn 46 triệu USD nhờ xuất khẩu vào Mỹ.
![]() |
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta |
Kết thúc năm 2024, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex - Mã FMC ) ghi nhận doanh thu hơn 6.900 tỷ đồng và lãi sau thuế 423 tỷ đồng, đều là các mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu tiếp tục là kênh đóng góp chính vào doanh thu của doanh nghiệp thủy sản có quy mô gần 4.100 nhân sự này.
Tuy nhiên, trước những diễn biến mới liên quan đến việc Mỹ có thể áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam phát đi ngày 3/4 vừa qua, Sao Ta đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế thận trọng với 420 tỷ đồng cho năm 2025 – thấp hơn mức 500 tỷ đồng từng được ban lãnh đạo kỳ vọng vài năm trước đó.
Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực cho biết trong thư gửi cổ đông rằng mức thuế đối ứng mà Mỹ công bố sáng 3/4/2025 là "bất ngờ và có thể làm tiêu tan mọi tính toán trước đó của các doanh nghiệp tham gia thị trường này (Mỹ)", đồng thời cho rằng đây là thách thức rất lớn với các công ty đang xuất khẩu vào Mỹ. Trước mắt, Sao Ta sẽ tập trung thu thập thông tin, xử lý các vướng mắc nhằm giảm thiểu thiệt hại, và chờ thêm diễn biến từ phía Chính phủ Việt Nam.
Tại ĐHCĐ thường niên ngày 18/4/2025, ban lãnh đạo FMC cho biết phía đối tác Mỹ hiện chưa đưa ra quyết định cụ thể, nên các đối tác cũng đang trong trạng thái chờ đợi. Fimex vẫn đang tiếp tục giao hàng theo các hợp đồng đã ký, dự kiến trong 30–45 ngày tới.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu Mỹ chính thức áp thuế 46% với toàn bộ sản phẩm từ Việt Nam, ban lãnh đạo công ty nhận định khả năng cạnh tranh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với thủy sản, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, (Việt Nam bị áp thuế 46% còn các nước khác chỉ bị khoảng 20%), "khả năng cao là chúng tôi phải rút khỏi thị trường Mỹ".
Tuy nhiên, nếu mức thuế thấp hơn (khoảng 23%) và không chênh lệch quá lớn so với các đối thủ như Ấn Độ, Việt Nam vẫn có cơ hội giữ thị phần.
Lãnh đạo FMC phân tích, xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 800 triệu USD trong tổng giá trị hơn 130 tỷ USD hàng hóa Việt Nam bán sang thị trường này – tức là chiếm tỷ trọng rất nhỏ. FMC cũng chỉ chiếm khoảng 8% thị phần tôm vào Mỹ, so với mức hơn 35% của Ấn Độ. Do vậy, nếu mức thuế được áp dụng rộng rãi cho cả các nước khác, thì không riêng Việt Nam mà các đối thủ khác sẽ cùng chịu tác động.
![]() |
Nguồn: BCTN 2024 của FMC |
Trong quý I/2025, FMC và công ty con đã xuất khẩu sang Mỹ hơn 46 triệu USD. Ước tính, nếu tính cả lượng hàng đang trong giai đoạn hoàn tất giao dịch, con số có thể lên tới hơn 60 triệu USD. Lượng hàng xuất sớm phần nào giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro nếu chính sách thuế thay đổi sau 90 ngày.
Lãnh đạo công ty cho biết đang đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường, trong đó Nhật Bản, Canada, Úc, Hàn Quốc là các điểm đến tiềm năng. Riêng thị trường Trung Quốc được đánh giá có tiềm năng rất lớn nhưng yêu cầu điều kiện nhập khẩu khắt khe, do đó doanh nghiệp đang chuẩn bị điều kiện để có thể thâm nhập trong năm nay.
Fimex cũng đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực từ các đơn hàng mới tại Canada và Úc. Trong khi đó, Hàn Quốc tiếp tục duy trì sản lượng ổn định, và đang được kỳ vọng sẽ tăng thêm trong năm 2025. Với các dòng sản phẩm chế biến sâu, doanh nghiệp tin rằng vẫn có thể duy trì lợi thế cạnh tranh tại các thị trường cao cấp, bất chấp các yếu tố bất lợi từ chính sách thương mại.
>> Xuống giống táo bạo, doanh nghiệp ngành tôm thu gần 1.200 tỷ chỉ sau hai tháng