Hơn 37.000 tấn thủy sản Việt Nam đang trên đường sang Mỹ
Hiện có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu hoặc có kế hoạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ với giá trị và số lượng lớn.
Hơn 37.000 tấn thủy sản Việt Nam đang trên đường sang Mỹ
Theo thống kê nhanh, sơ bộ và chưa đầy đủ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP ), tính tới ngày 3/4 – ngay sau khi có thông tin Mỹ áp mức thuế cao 46% – hiện có khoảng 37.000 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Hoa Kỳ. Ngoài ra, khoảng 31.500 tấn hàng đang dự kiến xuất khẩu trong tháng 4–5/2025, và nhiều đơn hàng đã được ký kết cho năm nay với khối lượng khoảng 38.500 tấn.
![]() |
Hơn 37.000 tấn thủy sản Việt Nam đang trên đường sang Mỹ (Ảnh minh họa) |
Theo VASEP, Mỹ là thị trường lớn, truyền thống và có tính dẫn dắt đối với thủy sản thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong đó, 70% sản phẩm xuất khẩu là thủy sản nuôi trồng (tôm, cá tra, nhuyễn thể, cá nước ngọt khác) – gắn liền với sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân tại các địa phương. Tương tự, 30% là hải sản khai thác – nguồn sống của hàng trăm nghìn ngư dân Việt Nam. Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu số 1 của tôm và cá ngừ, đồng thời là thị trường số 2 của cá tra Việt Nam.
“Một lô tôm trị giá 500.000 USD, trước đây chịu thuế 5% (25.000 USD), nay có thể phải chịu thuế 46% (230.000 USD), tăng thêm 205.000 USD – mức chi phí quá lớn và không thể lường trước”, VASEP cho biết.
Ngoài ra, mức thuế mới khiến ngành thủy sản Việt Nam đứng trước nguy cơ mất thị trường và giảm khả năng cạnh tranh, vì các nước xuất khẩu thủy sản khác đang có mức thuế thấp hơn nhiều so với Việt Nam (Ấn Độ: 26%, Ecuador: 10%, Indonesia: 32%, Thái Lan: 36%).
Thống kê cho thấy, Mỹ chi khoảng 2 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, giữ vị trí thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 1/5 tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta.
Hiện có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu hoặc có kế hoạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ với giá trị và số lượng lớn. Trong bối cảnh cạnh tranh cao và các mức thuế chống bán phá giá, phương thức vận chuyển phổ biến là DDP (giao hàng tận kho). Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp Việt Nam phải thanh toán toàn bộ chi phí (vận chuyển, bảo hiểm, thuế...) trước khi giao hàng và chỉ nhận thanh toán sau đó từ đối tác Mỹ. Vì vậy, mức thuế mới khiến các doanh nghiệp lo ngại về nguy cơ mất thị trường, thiệt hại lớn với nhiều lô hàng đang trên đường vận chuyển có thể bị áp thuế tới 46%.
Trong tình thế khẩn cấp, VASEP bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành sớm đàm phán với Mỹ để xác định thống nhất mốc thời gian áp dụng mức thuế mới, đồng thời đề nghị điều chỉnh thuế về mức phù hợp hơn.
VASEP kỳ vọng phía Mỹ không áp dụng mức thuế 46% cho toàn bộ các mặt hàng, mà tách riêng theo từng dòng sản phẩm với mức thuế tương ứng. Đổi lại, VASEP đề xuất Chính phủ Việt Nam xem xét chủ động giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với thủy sản của Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng có sản lượng nhập khẩu thấp như tôm, cá ngừ.
Chính phủ vào cuộc tháo gỡ khó khăn
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT), bên lề chuyến công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại Mỹ, Thứ trưởng Bộ NN-MT Hoàng Trung đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ – ông Jason Hafemeister – vào ngày 9/4 (giờ địa phương).
Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định Bộ Nông nghiệp Mỹ là đối tác tin cậy của Bộ NN-MT cũng như nông dân Việt Nam. Kể từ cuộc gặp năm 2024, Bộ NN-MT đã thực hiện đầy đủ các cam kết với phía Mỹ.
![]() |
Đại diện đoàn công tác của Bộ NN-MT cùng với đại diện Bộ Nông nghiệp Mỹ, chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: ICD) |
Thứ trưởng Bộ NN-MT cũng cho biết đối với đề xuất giảm thuế của Mỹ, vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 73 năm 2025 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo 2 bộ cũng đã trao đổi về việc Chính phủ Mỹ thông báo áp thuế đối ứng rất cao tới 46% cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, có thể gây bất lợi lớn không chỉ với người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam, mà còn với doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, hàng nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ có chất lượng cao, giá thành hợp lý.
Vì vậy, lãnh đạo Bộ NN-MT đề nghị Bộ Nông nghiệp Mỹ, trên tinh thần quan hệ hợp tác hiệu quả giữa 2 bộ trong thời gian qua, sẽ ủng hộ đề xuất của Bộ NN-MT Việt Nam xem xét miễn trừ một số nhóm hàng nông thủy sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng Mỹ và không cạnh tranh trực tiếp (như thủy sản, điều, tiêu, rau quả, cà phê).
Đáng chú ý, cùng ngày 9/4, Tổng thống Donald Trump đã quyết định tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia và áp mức thuế thấp hơn đáng kể so với kế hoạch trước đó là 10% trong thời gian này.
Cơ hội nào cho ngành thủy sản sau khi hết thời hạn hoãn thuế
Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC ), việc hoãn thuế đã giúp giảm đáng kể áp lực cho ngành thủy sản Việt Nam. Trong kịch bản thuế đối ứng duy trì ở mức 10% và thuế áp với Trung Quốc là 145%, ngành cá tra Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn, chiếm lại thị phần từ cá rô phi và cá Minh Thái Mỹ. Sản lượng cá tra có thể tăng 35% tại Mỹ trong năm nay so với 2024.
![]() |
Kịch bản sản lượng xuất khẩu (theo tấn) của VIệt Nam sang Mỹ theo các mức thuế tại Mỹ |
Ngược lại, nếu mức thuế 46% được tái áp dụng với Việt Nam sau giai đoạn hoãn thuế, sản lượng cá tra có thể giảm 10% do chia sẻ thị phần với cá Minh Thái và cá rô phi. Tuy nhiên, cơ hội sẽ mở ra tại thị trường EU khi Mỹ giảm nhập khẩu các loại cá trắng khác.
Với ngành tôm, nếu thuế trở lại mức cao, khả năng cạnh tranh tại Mỹ sẽ giảm. Tuy vậy, các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ trở thành điểm đến thay thế nhờ tổng cung toàn cầu chỉ tăng nhẹ 2%/năm, giúp giá bán ổn định hơn.
Theo VDSC, khả năng doanh nghiệp cá tra tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ còn phụ thuộc vào đánh giá rủi ro thuế quan. Tuy nhiên, với lợi thế giá rẻ, cá tra Việt Nam vẫn có sức hút đáng kể tại thị trường Mỹ.
>> Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày: Doanh nghiệp thủy sản đề xuất ‘nóng’