Vĩ mô

Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày: Doanh nghiệp thủy sản đề xuất ‘nóng’

Thanh Huyền 11/04/2025 - 14:42

Trước bối cảnh Mỹ hoãn áp dụng thuế đối ứng 90 ngày với Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản đề xuất với Chính phủ và các Bộ “2 gói” hỗ trợ cần thiết để đối phó với những bất ổn và gia tăng năng lực của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản.

Tác động trước mắt

Mỹ đã và đang là một trong hai thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8-2,1 tỷ USD/năm trong 3 năm qua, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Đây là thị trường lớn, quan trọng và có tính định hướng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam - là thị trường nhập khẩu số 1 của tôm và cá ngừ, lớn thứ 2 của cá tra. Sau hơn 20 năm mở rộng và phát triển thị trường, thủy sản Việt Nam trở thành thương hiệu thủy sản quen thuộc của người tiêu dùng Mỹ. Việt Nam là một trong top các nước cung cấp thủy sản hàng đầu cho Mỹ.

Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày: Doanh nghiệp thủy sản đề xuất ‘nóng’ ảnh 1
Mỹ là một trong hai thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họa: IT

Theo VASEP, việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng 46% với hàng hóa từ Việt Nam có tác động rất lớn lên ngành thủy sản Việt Nam và nguy cơ mất thị trường quan trọng nhất cũng như mất khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vì mức thuế Mỹ áp cho Việt Nam là quá lớn và cao nhất so với mức thuế áp cho các đối thủ cạnh tranh (Ecuador, Ấn độ, Thái Lan, Indonesia...).

Kịch bản mới nhất vào rạng sáng 10/4, Mỹ công bố hoãn áp dụng thuế đối ứng 90 ngày với Việt Nam và 74 quốc gia khác, chỉ áp thuế 10% trong thời gian 90 ngày này.

“Các doanh nghiệp thấy thuận lợi và dễ thở hơn, ít nhất Việt Nam sẽ vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu trong 90 ngày tới sang Mỹ và mong đợi kết quả đàm phán tốt để có mức thuế cạnh tranh khi thời hạn 90 ngày qua đi”, VASEP nhận định.

Tình huống xấu nhất với mức thuế cao 46% nếu không thay đổi, xuất khẩu sang Mỹ bị đình trệ, rất nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ngay về tồn kho lớn, dòng tiền bị ngắt, lãi suất ngân hàng sẽ là gánh nặng, sản xuất nguyên liệu ngưng trệ, việc làm - sinh kế nông - ngư dân và nhiều người lao động bị ảnh hưởng, áp lực cạnh tranh quốc tế gia tăng (cung lớn, giá giảm) ở các thị trường nhập khẩu khác, kim ngạch xuất khẩu của ngành có nguy cơ sụt giảm…

Đề xuất "2 gói" hỗ trợ

Đứng trước các diễn biến bất ổn vì yếu tố khách quan và kịch bản áp thuế của Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất và năng lực xuất khẩu, VASEP đã tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp và xin đề xuất với Chính phủ và các Bộ “2 gói” hỗ trợ cần thiết để đối phó với những bất ổn và gia tăng năng lực của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản.

Thứ nhất, các đề xuất, giải pháp và kiến nghị để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, củng cố chuỗi cung ứng và năng lực cạnh tranh. Trong đó, các đề xuất, kiến nghị khơi thông cho sản xuất - tiêu thụ liên quan về công nghệ - IUU - ATTP - kiểm dịch gồm: Thành lập "Quỹ phát triển công nghệ ngành Thủy sản”; khơi thông thị trường nội địa; xử lý những bất cập trong việc xác nhận hồ sơ (theo IUU) cho sản phẩm ruốc biển để mở đường xuất khẩu vào EU; xử lý bất cập trong việc xuất khẩu sản phẩm cồi sò điệp (là một sản phẩm được làm từ loại sò biển có tên là "sò điệp") sang thị trường EU…

Các đề xuất về thuế - phí tín dụng - hải quan gồm: Chính sách miễn, giảm tiền thuê đất; Hoàn thuế VAT; giảm thuế VAT; xử lý bất cập về thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) cho sản phẩm thủy sản đông lạnh; duy trì gói tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; giảm giá điện cho các container lạnh tại cảng vì hàng bị tồn ứ tại cảng; giải quyết bất cập trong hướng dẫn về mức thuế VAT đối với phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản...

Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày: Doanh nghiệp thủy sản đề xuất ‘nóng’ ảnh 2
Ngành thủy sản có nhiều kiến nghị để phát triển ngành trong thời gian tới. Ảnh minh họa: IT.

Các đề xuất về lao động - thị trường - FTA, gồm: Giãn thời gian đóng BHXH và hỗ trợ tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; giải quyết bất cập về hạn ngạch đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc; giải quyết vướng mắc trong ghi nhãn sản phẩm thủy sản xuất khẩu từ nguyên liệu nhập khẩu…

Thứ hai, đề xuất mở rộng thị trường, gia tăng xúc tiến thương mại năm 2025-2026. Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất xuất khẩu, cân bằng phần nào thâm hụt từ thị trường Mỹ trong trường hợp Mỹ không điều chỉnh mức thuế đối ứng hiện tại, VASEP đề nghị các hoạt động mở rộng, đa dạng thị trường và gia tăng hoạt động xúc tiến thương mại cho thị trường xuất khẩu.

Đề xuất cũng nhằm duy trì tốt các chương trình đã được phê duyệt trong năm 2025 như: Hội chợ thủy sản Bắc Mỹ, Triển lãm thủy sản toàn cầu tại Barcelona, Tây Ban Nha; Hội chợ thủy sản châu Á tại Singapore; Hội chợ thủy sản và Nghề cá Trung Quốc tại Thanh Đảo - Trung Quốc…

Bên cạnh những hội chợ, triển lãm truyền thống, để mở rộng tìm kiếm thị trường thay thế, VASEP đề xuất sự hỗ trợ của Ngân sách nhà nước cho các chương trình triển lãm mới để doanh nghiệp bớt gánh nặng chi phí tham gia, qua đó có cơ hội tiếp cận thị trường mới.

Thời gian đầu, để thu hút doanh nghiệp VASEP mong muốn Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí gian hàng gồm: tiền mặt bằng, thiết kế và trang thiết bị. Các hội chợ mà VASEP đề xuất sẽ được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên dựa trên tiềm năng của thị trường và quy mô của hội chợ.

Với những kiến nghị và đề xuất trên, Hiệp hội VASEP và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ kịp thời, để các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu thủy sản duy trì chuỗi sản xuất, xuất khẩu và tiếp tục tạo sinh kế cho nông - ngư dân và người lao động.

>> Mặt hàng thủy sản nào của Việt Nam đang bị tác động lớn nhất?

Việt Nam chính thức đề xuất Hoa Kỳ miễn trừ thuế cho một số nhóm hàng nông thuỷ sản thiết yếu

Mặt hàng thủy sản nào của Việt Nam đang bị tác động lớn nhất?

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/my-hoan-ap-thue-90-ngay-doanh-nghiep-thuy-san-de-xuat-nong-post1732775.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày: Doanh nghiệp thủy sản đề xuất ‘nóng’
    POWERED BY ONECMS & INTECH