Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản trong quý 1/2023 đã giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường xuất khẩu vẫn còn khó khăn.
Khó khăn của ngành thuỷ sản đã kéo dài từ cuối năm 2022 do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc chưa mở cửa trở lại, gây gián đoạn cho hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1,8 tỷ USD và giảm sâu ở các thị trường chính.
Tôm là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng trong quý 1 chỉ đạt 600 triệu USD, giảm đến 37% so với cùng kỳ trong đó thị trường Mỹ giảm hơn 40%. Thị trường giảm nhu cầu, nhưng giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục. Điều này dẫn đến giá thành sản phẩm thủy sản của Việt Nam rất khó cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam đánh giá, các nước đều có chính sách về giảm thuế nguyên, phụ liệu, thức ăn nuôi tôm. Họ sản xuất với giá thành thấp nên nếu Việt Nam không có giải pháp thì giá thành sản xuất tôm khó cạnh tranh.
Mặc dù một số doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn, Minh Phú,... có thể tự cung mảng thức ăn chăn nuôi thuỷ sản nhưng nguyên liệu trong nước không thể đáp ứng đủ nên các doanh nghiệp vẫn phải tốn nhiều chi phí để nhập khẩu.
Hàng loạt doanh nhiệp thủy sản kinh doanh "ảm đạm"
Khép lại quý 1/2023, các "ông lớn" ngành thuỷ sản đã công bố kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Nhìn chung, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đều có sự sụt giảm so với cùng kỳ do việc xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu giảm. Song, mức nền doanh thu so sánh cùng kỳ vẫn ở mức cao.
Điển hình như CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận doanh thu quý 1/2023 đạt 2.238 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ; tuy vậy tỷ lệ giảm chi phí vốn thấp hơn, chỉ 24% dẫn tới lợi nhuận gộp giảm hơn nửa so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 23,8% xuống 17,3% quý 1 vừa qua. Lợi nhuận sau thuế đạt 226 tỷ đồng, giảm 59% so với số lãi 553 tỷ đồng đạt được quý 1 năm ngoái. Nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận giảm sút do chi phí vốn tăng cao.
CTCP Camimex Group (CMX) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu đạt 246 tỷ đồng - giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước và giảm 66% so với quý liền trước. Đáng nói, đây cũng là quý giảm thứ 4 liên tiếp của doanh nghiệp thủy sản này kể từ mức 911 tỷ ghi nhận trong quý 2/2022. Trừ các khoản thuế phí, Camimex báo lợi nhuận sau thuế quý 1 giảm 8% YoY về mức 23 tỷ đồng song đã cải thiện so với mức 8,4 tỷ trong quý trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí tài chính của CMX tăng mạnh 62% so với cùng kỳ lên 30,6 tỷ đồng, trong đó có đến 17 tỷ đồng là lãi vay.
CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (MPC) báo cáo doanh thu quý 1/2023 chỉ còn một sửa so với cùng kỳ, ở mức 2.123 tỷ đồng; lỗ sau thuế 97 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 91 tỷ đồng. Lần gần nhất "vua tôm" báo lỗ đã từ quý 2/2016 với mức 910 triệu đồng.
Theo Minh Phú, ngoài ảnh hưởng từ doanh thu bán hàng giảm, kết quả kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Lộc An, Minh Phú Kiên Giang và Công ty Sản xuất Tôm giống Minh Phú Ninh Thuận không có hiệu quả.
Ngoài ra, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (IDI) và CTCP Nam Việt (ANV) doanh thu cũng sụt giảm 6% mang về 1.763 tỷ đồng, lãi sau thuế doanh nghiệp giảm mạnh 92% so với cùng kỳ 2022 xuống còn hơn 17 tỷ đồng; ANV mang về 1.155 tỷ đồng doanh thu trong quý đầu năm và hơn 92 tỷ đồng lãi sau thuế (giảm 55% so với cùng kỳ) .
Bên cạnh đó, ngành thuỷ sản vẫn xuất hiện "điểm sáng" khi hai doanh nghiệp Thực phẩm Sao Ta (FMC) và Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) có lợi nhuận đi lên. Theo đó, doanh thu của FMC giảm 24% so với cùng kỳ song chi phí hoạt động giảm (đặc biệt là chi phí bán hàng, giảm 66% xuống 24 tỷ đồng). Chưa kể, chi phí vận chuyển cũng giảm 70% xuống 17 tỷ đồng và FMC cũng không phát sinh chi phí thuế chống bán phá giá (kỳ trước khoản chi phí này gần 3,4 tỷ đồng) nên lãi sau thuế do đó tăng 5%, đạt 48,5 tỷ đồng.
Trong quý 1/2023, ABT có doanh thu giảm nhẹ 7%, đạt 123,913 tỷ đồng. ANV không những được hưởng lợi từ chi phí vận chuyển giảm mà còn hưởng lợi nhiều từ lãi tiền gửi. Do đó, lãi sau thuế của doanh nghiệp tăng 20% so với cùng kỳ lên gần 9,2 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận của một số doanh nghiệp thuỷ sản trong quý 1/2023 |
Có thể phục hồi từ quý 3/2023?
Bước sang năm 2023, những dự báo về tình thế khó khăn của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã được đưa ra khi lực cầu của nhiều thị trường xuất khẩu chính chững lại trong bối cảnh lãi suất neo cao, lạm phát vẫn còn kéo dài. Thực tế đã chứng minh, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản trong quý 1/2023 đã lùi sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu cho ngành thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm nay, ngoài những giải pháp trọng yếu được giao cho ngành nông nghiệp, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương quyết liệt tháo gỡ vướng mắc về thị trường, thể chế, thuế phí; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Giới chuyên gia khuyến nghị, trong thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp có thể tận dụng để chuẩn bị nguyên liệu cũng như quy mô sản xuất khi thị trường bắt đầu phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, tiết giảm chi phí sản xuất là điều mỗi doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong thời gian tới sẽ hồi phục chậm do cạnh trạnh với Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra khả quan hơn ở một số thị trường, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch bệnh cũng là một cơ hội lớn.
Cũng theo VASEP, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh với các nước khác rất lớn. Còn các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước. Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý 3/2023.