Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ Đô thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia với tổng chiều dài khoảng 113km.
Tại dự án xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, Tổng Công ty Vinaconex (VCG ) là đơn vị được lựa chọn thực hiện gói thầu có chiều dài lớn nhất của dự án - gói thầu xây lắp số 9. Theo đó, gói thầu có chiều dài khoảng 23km (từ Km 13 + 17,92 đến Km 36 + 166,74). Giá trị trúng thầu là 1.816 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong vòng 1.080 ngày.
Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, có tổng chiều dài khoảng 113km, trong đó đoạn qua địa phận Hà Nội dài khoảng 58km.
Dự án được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần, tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng.
Về tiến độ, dự án được chuẩn bị đầu tư và thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Vinaconex dự kiến sẽ hoàn thành công trình trong năm 2025 để đưa vào khai thác sử dụng kịp thời nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội - Vùng Thủ đô Hà Nội, công trình hoàn thành để chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố Hà Nội, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Ông lớn quen mặt của làng thầu
Từ doanh nghiệp chuyên về quản lý lao động xây dựng Việt Nam tại nước ngoài, Vinaconex từng bước vươn lên, hướng tới trở thành tập đoàn hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính.
Báo cáo của Ban điều hành cho thấy, năm 2022 là năm khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp ngành xây dựng, tuy nhiên do có sự cố gắng nỗ lực nên hoạt động sản xuất - kinh doanh của Vinaconex vẫn duy trì ổn định, đạt mức tăng trưởng cao.
Năm 2022, tổng giá trị trúng thầu trên toàn Tổng công ty đạt trên 11.000 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ đạt trên 9.700 tỷ đồng. Đó là hàng loạt các dự án thuộc lĩnh vực xây dựng dân dụng & công nghiệp, hạ tầng giao thông,…như Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp sạch tỉnh Hưng Yên; hạ tầng và kiến trúc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; một số gói thầu thuộc dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2);…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung vật liệu san nền, giá vật liệu biến động, chi phí tài chính tăng cao, tín dụng bị thắt chặt, Tổng công ty vẫn quyết tâm hoàn thành các gói thầu thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đảm bảo tiến độ, chất lượng, được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đánh giá và ghi nhận.
Trên cơ sở đó, đầu năm 2023, Vinaconex tiếp tục được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn là nhà thầu thực hiện một số gói thầu của dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025.
Một số dự án xây dựng trọng điểm khác như Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn - Vũng Tàu), dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Hà Nội); Dự án Tòa án nhân dân TP Hà Nội, Dự án Bệnh viện K Trung ương, Cung thiếu nhi Hà Nội,… đều được triển khai đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, hiệu quả.
Được biết, Vinaconex vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 gói thầu lớn tại dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, bao gồm:
Gói thầu xây lắp số 4 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, giá trị 3.225 tỷ đồng.
Gói thầu xây lắp số 14 đoạn Mai Sơn - Quốc Lộ 45, giá trị gần 2.500 tỷ đồng.
Gói thầu xây lắp số 3 đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, giá trị gần 2.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinaconex cũng đang triển khai một số gói thầu lớn tại dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, tiêu biểu như:
Gói thầu xây lắp số 11 đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, giá trị 6.000 tỷ đồng.
Gói thầu xây lắp số 1 đoạn Vũng Áng - Bùng, giá trị 3.900 tỷ đồng.
Gói thầu xây lắp số 2 đoạn Vân Phong - Nha Trang, giá trị 3.500 tỷ đồng.
Vinaconex tập trung vào ba trụ cột chính: Xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính. Mục tiêu đến năm 2025, Vinaconex đạt doanh thu 30.000 tỷ đồng và lợi nhuận 2.000 tỷ đồng. Trong đó, mảng xây dựng và bất động sản chiếm 70% doanh thu, lợi nhuận.
Mục tiêu của Vinaconex sẽ tăng tỷ trọng mảng bất động sản, còn hiện tại mảng xây lắp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Dự kiến đến năm 2025, quỹ đất của doanh nghiệp sẽ tăng lên 5.000ha.
Vinaconex kinh doanh như thế nào?
Ngày 1/12/2006, Vinaconex hoàn thành chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần do nhà nước giữ cổ phần chi phối, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, xây lắp và đầu tư bất động sản là hai lĩnh vực nòng cốt.
Tháng 9/2008, cổ phiếu của Vinaconex (mã chứng khoán VCG) niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Sau khi các cổ đông đại diện vốn nhà nước hoàn tất việc thoát vốn vào năm 2018, Vinaconex trở thành doanh nghiệp không còn vốn Nhà nước, chuyển niêm yết cổ phiếu VCG từ HNX sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Về hoạt động kinh doanh, quý I/2023, doanh thu thuần của Vinaconex tăng 47% đạt 1.965 tỷ đồng, chủ yếu nhờ nguồn thu hoạt động xây lắp tăng 55% lên 1.377 tỷ đồng. Đồng thời, trong quý này doanh nghiệp cũng phát sinh thêm 139 tỷ đồng doanh thu từ kinh doanh bất động sản. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của Vinaconex tăng gần gấp đôi lên 314 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 12% lên 16%.
Tuy nhiên, doanh thu tài chính của Vinaconex quý này chỉ đạt vỏn vẹn gần 93 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức thực hiện 736,5 tỷ đồng trong quý I/2022. Nguồn thu tài chính sụt giảm mạnh, song chi phí tài chính lại tăng 15% lên 227 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex đạt gần 19 tỷ đồng, bốc hơi đến 98% so với khoản lãi 780 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ cũng giảm tương đương còn 16 tỷ đồng, EPS ( tỉ suất thu nhập trên cổ phần) đạt 33 đồng, so với năm ngoái là 1.719 đồng.
Theo giải trình từ phía Vinaconex, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm sâu là do trong quý I/2022 Tổng công ty hợp nhất báo cáo tài chính của công ty con mới đầu tư nên doanh thu hoạt động tài chính tăng cao. Đồng thời, từ đầu năm 2023 đến nay, các công ty con, công ty liên doanh, liên kết trong hệ thống đều bị ảnh hưởng chung bởi những khó khăn của kinh tế trong nước dẫn đến kết quả kinh doanh đều bị giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, Vinaconex lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022. Lãi sau thuế hợp nhất dự kiến giảm 8%, còn 860 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành lần lượt 12% và 2% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra.
Tại thời điểm cuối quý I/2023, tổng tài sản của Vinaconex đạt 32.474 tỷ đồng, cao hơn thời điểm đầu năm 475 tỷ đồng. Hàng tồn kho tính đến cuối quý 1 đạt 7.281 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm.
Lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm 44% xuống còn 950 tỷ đồng, trong đó tiền gửi ngân hàng giảm gần 2/3 xuống còn hơn 511 tỷ đồng. Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 34% lên 2.168 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn với 2.101 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại thời điểm cuối quý 1/2023, nợ phải trả của Vinaconex ở mức 22.550 tỷ đồng - gấp gần 2,3 lần vốn chủ sở hữu. Tổng tài sản của công ty nhích nhẹ lên mức 32.474 tỷ đồng.
Việc trúng thầu dự án thành phần đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được coi là cú hích góp phần thúc đẩy sự phát triển của Vinaconex.