Bất động sản

Kiến nghị làm rõ nhiều nội dung dự án vành đai hơn 120.000 tỷ lớn nhất Đông Nam Bộ

Việt Hoàng 30/03/2025 07:00

Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị UBND TP. HCM giải trình các ý kiến của Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh hướng tuyến của dự án so với Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 đã được phê duyệt.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông báo số 326/TB-BTC về kết luận của Hội đồng thẩm định Nhà nước liên quan đến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. HCM.

Theo nội dung thông báo, Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị UBND TP. HCM giải trình các ý kiến của Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh hướng tuyến của dự án so với Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 đã được phê duyệt.

Đồng thời, UBND TP. HCM cần rà soát và chuẩn xác lại số liệu dự báo nhu cầu vận tải, làm rõ tính phù hợp trong việc lựa chọn quy mô đầu tư giai đoạn 1, bổ sung đánh giá về thời điểm cần thiết để mở rộng tuyến trong tương lai.

Thành phố cũng được yêu cầu giải trình rõ cơ sở xác định số lượng và vị trí các nút giao, bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy hoạch liên quan và khả năng kết nối với hệ thống giao thông hiện hữu, nhằm đảm bảo lưu thông thông suốt, tránh ùn tắc. Bên cạnh đó, cần bổ sung chi tiết về quy mô, số lượng các công trình trên tuyến như cầu, cầu vượt ngang, hầm chui và các hạng mục kỹ thuật khác.

Bối cảnh dự án Vành đai 4 TP. HCM. Nguồn ảnh: Báo Giao thông
Bối cảnh dự án Vành đai 4 TP. HCM. Nguồn ảnh: Báo Giao Thông

Về tổng mức đầu tư và khả năng bố trí vốn ngân sách Nhà nước, Hội đồng đề nghị UBND TP. HCM rà soát, thống nhất lại các số liệu, cấu phần chi phí trong tổng mức đầu tư, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và giữa các dự án thành phần.

>> Đề xuất mới nhất liên quan dự án khu công nghiệp VSIP đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long

Các địa phương có dự án đi qua cần sớm trình HĐND để có văn bản cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương, phù hợp với tiến độ Chính phủ dự kiến trình Quốc hội.

Đối với phương án chia nhỏ dự án thành các dự án thành phần, Hội đồng đề nghị cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để đảm bảo mỗi dự án thành phần có khả năng vận hành độc lập.

Trong đó có các dự án cụ thể như: Dự án thành phần 1-5 (giải phóng mặt bằng đoạn qua huyện Nhà Bè, TP. HCM, dài 3,8km), dự án thành phần 2-1 (xây dựng đoạn cao tốc qua tỉnh Đồng Nai với điểm đầu tại nút giao với dự án thành phần 2-2 qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

UBND TP. HCM cũng cần làm rõ tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào từng dự án thành phần, bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư các tuyến đường gom, đường song hành.

Về phương án tài chính, thành phố cần thống nhất thời gian thực hiện, bổ sung rõ ràng các nội dung liên quan đến thời gian hoàn vốn và thời hạn hợp đồng của từng dự án.

Theo Báo cáo sơ bộ kết quả thẩm định của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành, nhóm dự án thành phần 2 (gồm 5 dự án thành phần theo hình thức PPP) đều có giá trị hiện tại ròng (NPV) dương.

Cụ thể, dự án thành phần 2-1: 13,68 tỷ đồng; dự án thành phần 2-2: 25,40 tỷ đồng; dự án thành phần 2-3: 224,74 tỷ đồng; dự án thành phần 2-4: 778,79 tỷ đồng và dự án thành phần 2-5: 501,09 tỷ đồng.

Thời gian hoàn vốn dự kiến dao động từ 19 năm 1 tháng đến 25 năm 1 tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ lợi ích - chi phí (B/C) của một số dự án còn thấp, đặc biệt là dự án 2-1 (1,01) và 2-2 (1).

Trên cơ sở đó, Tổ chuyên gia đề nghị UBND TP. HCM tiếp tục phân tích kỹ lưỡng hiệu quả tài chính của dự án, nhất là khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư, nhằm bảo đảm tính khả thi của phương án PPP.

Bên cạnh đó, UBND TP. HCM hiện chưa xác định thời hạn hợp đồng cho các dự án thành phần thuộc nhóm 2, trong khi thời gian hoàn vốn đã được nêu rõ: Dự án thành phần 2-1: 19 năm 1 tháng; dự án thành phần 2-2: 25 năm 1 tháng; dự án thành phần 2-3: 21 năm 1 tháng; dự án thành phần 2-4: 20 năm và dự án thành phần 2-5: 20 năm.

Về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia, theo báo cáo sau giải trình, tổng mức đầu tư toàn dự án là 122.774,28 tỷ đồng, trong đó phần vốn ngân sách Nhà nước là 69.665,22 tỷ đồng, chiếm khoảng 56,74%.

Đối với các dự án PPP, tỷ lệ vốn Nhà nước cụ thể như sau, dự án 2-1: 0%; dự án 2-2: 15%; dự án 2-3: 35%; dự án 2-4: 26%; dự án 2-5: 42%.

Tổ chuyên gia đánh giá đề xuất tỷ lệ vốn Nhà nước như trên là có cơ sở, phù hợp với quy định tại khoản 2 và khoản 2a Điều 69 Luật PPP đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 57/2024/QH15.

Tuy nhiên, tại Tờ trình số 7515/TTr-UBND, UBND TP. HCM kiến nghị áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó đề xuất tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia không vượt quá 70% tổng mức đầu tư toàn dự án và các dự án thành phần.

Dự án đường Vành đai 4 - TP. HCM có tổng chiều dài hơn 159km. Điểm đầu của tuyến nằm tại Km40+00 (thuộc đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) tại xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm cuối nối với đường trục Bắc - Nam tại khu vực Cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. HCM.

Đây được xem là dự án đầu tư tuyến đường bộ lớn nhất tại khu vực Đông Nam Bộ từ trước đến nay với tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 ước tính gần 123.000 tỷ đồng. Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2030.

Ngoài ra, các tuyến đường song hành và đường gom hai bên cao tốc qua khu dân cư, đô thị sẽ được xây dựng không liên tục, với quy mô tối thiểu là 2 làn xe đối với đường song hành, và tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A hoặc B đối với đường gom.

>> Đề xuất sử dụng 564ha ‘đất vàng’ Thủ Thiêm làm trung tâm tài chính quốc tế đầu tiên của Việt Nam

Tuyến đường gần 86.000 tỷ sắp khởi công: Cú hích thay đổi diện mạo khu vực một dự án của Vinhomes

Chiêm ngưỡng tuyến đường xuyên rừng vừa khánh thành, kết nối KCN 7.500 tỷ với cảng biển cửa ngõ biển Ðông của tiểu vùng sông Mekong

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/kien-nghi-lam-ro-nhieu-noi-dung-du-an-vanh-dai-hon-120000-ty-lon-nhat-dong-nam-bo-202250329143312577.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Kiến nghị làm rõ nhiều nội dung dự án vành đai hơn 120.000 tỷ lớn nhất Đông Nam Bộ
    POWERED BY ONECMS & INTECH