Bất động sản

Doanh nhân Đường ‘bia’: Từ đại gia BĐS có thú chơi dát vàng cao ốc tới cú ngã đau vì khoản vay 200 tỷ đồng

Khương Lê 21/08/2024 12:44

127 tỷ đồng huy động năm 2017 đã được công ty sản xuất malt bia nổi tiếng một thời của đại gia Đường “bia” đầu tư cho 2 dây chuyền mạ vàng. Hiện, công ty đang mắc kẹt trong khối nợ chậm trả hơn 200 tỷ đồng và kiện cáo chưa ngã ngũ.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, thường được biết tới với biệt danh Đường “bia” nhờ khởi nghiệp và thành công nhờ bia. Sau khi xuất ngũ năm 1979, ông Đường đã lăn lộn đủ nghề kiếm sống trước khi thành lập một doanh nghiệp tư nhân sản xuất bia hơi và sau đó trở thành ông chủ Công ty Cổ phần Đường Man - doanh nghiệp sản xuất malt đầu tiên ở Việt Nam.

Trên đà phát triển, ông Đường lấn sân sang các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, vật liệu xây dựng, bán lẻ,…

Dấu ấn khác biệt của vị doanh nhân này là sở thích dát vàng trong các công trình bất động sản. Ban đầu, ông mạ vàng cho thang máy của Tòa tháp đôi Hòa Bình tọa lạc trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội). Sau đó, không chỉ cửa thang máy mà ông tiến tới dát vàng cả phào chỉ sảnh đón và thành lan can của Tòa chung cư Hòa Bình Green City số 505 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ngoài ra, bể bơi vô cực trên nóc tòa nhà tại khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng hay những thiết bị vệ sinh trong dự án Hội An Golden Sea cũng được doanh nhân Đường "bia" phủ lên lớp vàng 24K lấp lánh.

Công trình nổi tiếng nhất trong bộ sưu tập của ông Đường "bia" phải kể đến khách sạn Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake bên bờ hồ Giảng Võ với toàn bộ 120.000 m2 mặt ngoài và một phần nội thất bên trong được dát vàng.

Doanh nhân Đường ‘bia’: Từ đại gia BĐS có thú chơi dát vàng cao ốc tới cú ngã đau vì khoản vay 200 tỷ đồng
Hanoi Golden Lake là khách sạn dát vàng lớn nhất Hà Nội. Ảnh: Trí Thức Trẻ

>> Từng phải đạp xích lô để mưu sinh, đại gia Đường bia kiếm tiền thế nào để xây khách sạn dát vàng 2.400 tỷ đầu tiên trên thế giới?

Phát hành trái phiếu đầu tư dây chuyền mạ vàng 127 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Đường Man (Đường Man) trước đây là Công ty TNHH Đường Man được thành lập năm 2002, cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Hữu Đường, sở hữu 88% vốn. Trụ sở chính của công ty đặt tại KCN Tiên Sơn, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

Đường Man có 4 ngành nghề hoạt động chính bao gồm sản xuất malt từ lúa mạch; bán buôn thực phẩm; gia công cơ khí, xử lý tráng phủ kim loại và bán buôn kim loại, quặng kim loại. Trong đó, nổi bật nhất là sản xuất malt, nguyên liệu chính để làm bia.

Cuối năm 2004, Công ty Đường Man khánh thành Nhà máy sản xuất malt đầu tiên tại Việt Nam. Nhà máy được lắp đặt dây chuyền thiết bị chế biến đồng bộ của Hãng Lausmann (CHLB Đức), công suất 45.000 tấn/năm, tổng giá trị đầu tư trên 200 tỷ đồng.

Dưới sự dẫn dắt của vị doanh nhân có sở thích dát vàng, Đường Man dần khẳng định vị thế với sản phẩm malt bia cung cấp cho các nhà máy bia ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Giai đoạn hoàng kim của Đường Man vào khoảng thời gian 2015, khi trở thành một trong những nhà cung cấp Malt chính thức cho SABECO, thông tin công bố trên website của công ty.

Doanh nhân Đường ‘bia’: Từ đại gia BĐS có thú chơi dát vàng cao ốc tới cú ngã đau vì khoản vay 200 tỷ đồng
Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường. Ảnh: Internet

Tháng 11 năm 2017, một bước ngoặt xuất hiện. Theo đó, Đại hội đồng cổ đông Công ty Đường Man ban hành Nghị quyết huy động vốn để bổ sung hoạt động đầu tư 2 dây chuyền mạ vàng, xây dựng cơ bản và tăng quy mô vốn cho doanh nghiệp.

Kế hoạch ban đầu, ngày 20/11/2017, công ty sẽ phát hành trái phiếu với tổng giá trị 350 tỷ đồng, tương ứng 350 trái phiếu với kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu có lãi suất cố định trong kỳ đầu tiên là 10,75%/năm, sau đó áp dụng thả nổi. Trái phiếu được bảo đảm bởi hai dây chuyền mạ vàng và các máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải của Công ty Đường Man.

Trên thực tế, sau đó, công ty chỉ phát hành được 200 trái phiếu mã BMBOND2017, thu về 200 tỷ đồng. Điều này buộc công ty thay đổi phương án sử dụng vốn so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, công ty chưa có nghị quyết của HĐQT và ĐHĐCĐ về việc thay đổi phương án sử dụng vốn này, báo cáo kiểm toán nhấn mạnh.

Với 200 tỷ đồng thu được, Đường Man sử dụng 127 tỷ đồng thanh toán tiền đầu tư dây chuyền mạ vàng; thanh toán 56,7 tỷ đồng cho chi phí xây dựng nhà kho và hệ thống xử lý nước thải và dùng hơn 16,2 tỷ đồng để thanh toán tiền mua malt.

Đáng chú ý, trong số 200 tỷ đồng có tới 165,8 tỷ đồng giải ngân cho Công ty TNHH Hòa Bình - nhà cung cấp là bên liên quan của công ty (Doanh nghiệp cùng chịu sự chi phối và kiểm soát bởi một cổ đông lớn - ông Nguyễn Hữu Đường).

Doanh nhân Đường ‘bia’: Từ đại gia BĐS có thú chơi dát vàng cao ốc tới cú ngã đau vì khoản vay 200 tỷ đồng
Năm 2017, Đường Man đã sử dụng 127 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu để đầu tư 2 dây chuyền mạ vàng trên inox và gốm sứ

Chìm sâu trong thua lỗ và kiện cáo

Sau 22 năm hoạt động, vốn điều lệ hiện tại của Đường Man đạt 277,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn vốn chủ sở hữu đã bị lỗ lũy kế ăn mòn.

Theo thông tin công bố, Đường Man lỗ liên tục 4 năm từ 2020-2023 tạo ra khoản lỗ lũy kế lên tới gần 230 tỷ đồng. Gần nhất, năm 2023 Đường Man lỗ ròng gần 51 tỷ đồng. Cùng với đó, vốn chủ sở hữu của nhà sản xuất malt bia này giảm còn gần 74 tỷ đồng cuối năm 2023 từ mức hơn 124 tỷ đồng cuối năm 2022.

Tính đến cuối năm ngoái, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Đường Man là 15,18 lần, tương đương nợ phải trả vào khoảng hơn 1.100 tỷ đồng, tổng tài sản ước tính đạt 1.224 tỷ đồng.

Bên cạnh thua lỗ, khoản trái phiếu 200 tỷ đồng mã BMBOND2017 chậm trả lãi của Đường Man bị chủ nợ khởi kiện. Cụ thể, ngày 18/10/2023, Ngân hàng TNHH Indovina khởi kiện Công ty Cổ phần Đường Man về việc công ty chưa thực hiện đúng về việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu theo các văn kiện ký kết.

Tổng nghĩa vụ phải trả của Đường Man liên quan đến khoản trái phiếu theo xác định của Indovina tính đến ngày 7/9/2023 là hơn 226 tỷ đồng, bao gồm:

  • Dư nợ gốc: 200 tỷ đồng;
  • Lãi chưa trả: 475,6 triệu đồng;
  • Lãi trên nợ gốc chậm trả: 24 tỷ đồng;
  • Phí quản lý tài sản bảo đảm: 550 triệu đồng
  • Phí chậm trả phí quản lý tài sản bảo đảm: 18,8 triệu đồng.

Đến thời điểm cuối quý II năm nay, kiểm toán cho biết, hai bên vẫn đang trong quá trình hòa giải và Tòa án chưa có quyết định cuối cùng.

Trong một diễn biến có liên quan, thông báo mới đây từ Ngân hàng Indovina cho biết, giá trị nợ của Đường Man tạm tính tới ngày 30/4/2024 là hơn 482 tỷ đồng.

Mặc dù là cổ đông sáng lập và sở hữu chính nhưng từ ngày 23/09/2021, ông Nguyễn Hữu Đường đã “nhường” lại vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Đường Man cho ông Trần Minh Thông (SN 1949).

Tính đến 01/8, ông Đường không phải là người đại diện pháp luật, Tổng Giám đốc cũng không có tên trong danh sách Hội đồng quản trị của Công ty Đường Man.

>> Công ty của ông chủ khách sạn dát vàng tại Hà Nội 'khất nợ' lô trái phiếu 200 tỷ

Công ty của ông chủ khách sạn dát vàng tại Hà Nội 'khất nợ' lô trái phiếu 200 tỷ

Ngân hàng bán tài sản liên quan đại gia Đường bia, chủ khách sạn dát vàng Hà Nội

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nhan-duong-bia-tu-dai-gia-bds-co-thu-choi-dat-vang-cao-oc-toi-cu-nga-dau-vi-khoan-vay-200-ty-dong-246056.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Doanh nhân Đường ‘bia’: Từ đại gia BĐS có thú chơi dát vàng cao ốc tới cú ngã đau vì khoản vay 200 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH