Vĩ mô

Đổi mới để kinh tế bứt phá

Văn Kiên 05/02/2025 10:30

Thành lập ngày 3/2/1930, trải qua 95 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng luôn khẳng định được tinh thần tự đổi mới, tiên phong hành động vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân. Chặng đường gần 40 năm đổi mới đất nước kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay là minh chứng rõ nét nhất, cho thấy những thành tựu nổi bật mà tinh thần đổi mới có thể mang lại cho sự phát triển đất nước.

Yếu tố then chốt

Những ngày này, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) đang trưng bày 150 hiện vật, tài liệu, hình ảnh về những mốc son lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi được thành lập đến nay. Trong không gian trưng bày, những hình ảnh, tư liệu về Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) như: Diễn văn khai mạc Đại hội, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư tại Đại hội, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Diễn văn bế mạc đại hội do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trình bày… được trưng bày một cách trang trọng, đánh dấu bước ngoặt về thời kỳ đổi mới của đất nước.

Đổi mới để kinh tế bứt phá ảnh 1
Hàng hóa xuất khẩu tập kết tại cảng biển để ra khơi. Ảnh: Minh Phương.

Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đường lối đổi mới do Đại hội VI khởi xướng năm 1988, “Nghị quyết khoán 10” trong sản xuất nông nghiệp ra đời, đánh dấu bước chuyển ngoạn mục về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. “Chỉ một năm sau khi thực hiện “Nghị quyết khoán 10”, từ chỗ thiếu ăn, chúng ta không chỉ đủ ăn mà còn xuất khẩu hơn 1 triệu tấn lương thực… Điều đó cho thấy, những thành quả từ đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo thực hiện có ý nghĩa to lớn như thế nào đối với sự phát triển của đất nước”, ông Túc nói.

Ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cho rằng, những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi căn bản mọi mặt của đời sống xã hội, vì vậy, phát triển khoa học - công nghệ chính là động lực then chốt để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Viết Chức đánh giá, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 và quyết liệt triển khai các giải pháp để đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về sự phát triển. “Nếu thực hiện tốt có hiệu quả Nghị quyết 57, chắc chắn đất nước sẽ phát triển rất nhanh trong thời gian tới”, ông Chức nói.

Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (năm 1930) và lãnh đạo cách mạng, qua từng giai đoạn, Đảng đều tiên phong đổi mới để đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của Nhân dân và thực tiễn đặt ra. Sau khi đất nước giành được độc lập, thống nhất, năm 1986, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới kinh tế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, từ đó đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. “Điều quan trọng nhất là phải đổi mới tư duy, từ đó sẽ đề ra được chủ trương, chính sách đúng đắn, giúp xoay chuyển tình thế, tạo ra bước phát triển mang tính chất đột phá”, ông Phúc nói.

“Chìa khóa vàng” cho sự phát triển

Tuy nhiên, sau gần 40 năm đổi mới, bên cạnh những kết quả đạt được, đất nước vẫn đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn cứ rình rập. Mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đề ra: đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vẫn là một thách thức. Trong bối cảnh đó, yêu cầu được Đảng đề ra là phải đổi mới tư duy, phải “cởi trói”, phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương (ngày 8/1), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế. “Chúng ta đã tổng kết 40 năm đổi mới và thống nhất rằng, cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế để chúng ta vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cùng với ưu tiên hàng đầu thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc xây dựng hành lang pháp lý cho những mô hình kinh tế mới và thực thi hiệu lực, hiệu quả pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích sự sáng tạo trong xã hội. “Khả năng đạt tăng trưởng hai con số trong tương lai phụ thuộc nhiều vào quá trình đổi mới phát triển kinh tế của chúng ta”, Tổng Bí thư phát biểu.

Đề cập các chủ trương lớn mà Đảng đã ban hành gần đây, ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, đây là một cuộc đổi mới đồng bộ, từ đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, đổi mới thể chế xây dựng pháp luật, công tác chống lãng phí đến phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số. “Những quyết sách lớn mà Đảng, Nhà nước ban hành thời gian gần đây thể hiện sự đổi mới rất lớn về tư duy và hành động. Về tư duy, đó là phải nghĩ sâu, nhìn xa, làm lớn và hành động là quyết liệt, có kết quả, sản phẩm”, ông Phúc nói.

Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 13/1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây chính là “chìa khóa vàng”, là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc. Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết 57 không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”, “Nghị quyết để thực hiện các nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động” với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong thời kỳ mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Nghị quyết số 57 là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

“Khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao đã và đang cháy bỏng hơn bao giờ hết. Khát vọng này là có cơ sở, trên nền tảng những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đã đạt được. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường duy nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới”, Thủ tướng nói.

>> Kỳ vọng hành động cho công cuộc Đổi mới

Cả bộ máy đã rùng rùng chuyển động bước vào 'cuộc đổi mới của đổi mới'

CHÀO ẤT TỴ 2025: NĂM CỦA TRÍ TUỆ VÀ ĐỔI MỚI!

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/doi-moi-de-kinh-te-but-pha-post1713824.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đổi mới để kinh tế bứt phá
    POWERED BY ONECMS & INTECH