Động lực cho tăng trưởng 2025: Đổi mới và hoàn thiện thể chế
Về động lực cho tăng trưởng 2025, nhiều quan điểm khẳng định, Việt Nam tiếp tục phải thực hiện đổi mới và hoàn thiện thể chế. Đây là một trong những động lực kỳ vọng giúp cho Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao.
Xu hướng tăng trưởng tích cực
Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng  của Việt Nam là 6,5 - 7% năm 2025, trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính  kêu gọi phấn đấu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% với sự hỗ trợ từ việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn. Thực tế, khi đưa ra dự báo về tăng trưởng của Việt Nam, các chuyên gia và các tổ chức quốc tế cũng bày tỏ sự lạc quan.
Xu hướng tăng trưởng tích cực. |
Về vấn đề nội lực cho tăng trưởng , ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê cũng nhìn nhận vai trò của cải cách thể chế. Cụ thể, cần có chính sách tăng thu nhập của các hộ gia đình; hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động.
Đồng thời, vận hành những chính sách để người lao động có thêm thu nhập thông qua việc giảm các loại thuế, như thuế thu nhập cá nhân; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. “Nên chăng chúng ta có chính sách thuế áp dụng cụ thể cho từng tầng lớp dân cư”, ông Nguyễn Bích Lâm đề xuất.
Cùng đó, cần có chính sách giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng; khuyến khích tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ; đẩy mạnh các hình thức thương mại hiện đại như thương mại điện tử, kinh tế số.
“Tóm lại, Chính phủ cần có chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân; chính sách tín dụng tiêu dùng để hỗ trợ người tiêu dùng. Quan trọng nhất là cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp như vậy mới có thể đảm bảo hiệu quả”, ông Nguyễn Bích Lâm một lần nữa nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, thực hiện đổi mới và hoàn thiện công tác thể chế; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kích cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… sẽ là những động lực lớn để tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Đề cập về mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số (tối thiểu là 10%) trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu, Bộ xác định tiếp tục phải thực hiện đổi mới và hoàn thiện công tác thể chế. Đây là một trong những động lực giúp cho tăng trưởng đạt được kết quả cao.
"Đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định liên quan đến việc miễn, giảm, giãn, hoãn thuế đến hết tháng 6/2025 cho các doanh nghiệp triển khai. Việc miễn, giảm, giãn, hoãn thuế này không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ ngay cho người dân để có thể mua được hàng hóa nhiều hơn, thực hiện kích cầu trong nước", lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.
Quyết liệt cải cách thể chế
Nhấn mạnh đến việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, bộ, ngành, địa phương sẽ phải giải ngân tổng vốn đầu tư công khoảng 295.000 tỷ đồng năm 2025, cộng với số chuyển tiếp của năm 2024 theo quy định của pháp luật khoảng hơn 300.000 tỷ đồng.
“Đây là con số lớn, nếu chúng ta giải ngân được hết số vốn này sẽ tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế khác, làm vốn mồi để thu hút, thúc đẩy tăng trưởng”, ông Nguyễn Đức Tâm cho biết.
Quyết liệt cải cách thể chế. |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025, các giải pháp quyết liệt về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là rất cần thiết.
"Cần tập trung giải quyết các rào cản, điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế theo hướng phá bỏ những quy định, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không phù hợp với cơ chế thị trường. Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thêm vào đó, cần có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ giữa Chính phủ, các cấp quản lý để đẩy nhanh quá trình cải cách", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, tư duy mới không thể chạy trên nền những luật lệ được ban hành theo tư duy cũ. Chúng ta phải có sự thay đổi cơ bản, chứ không chỉ cắt giảm quy định, sửa luật. Phải mạnh tay loại bỏ nhiều văn bản chứ không phải chỉ bãi bỏ một số quy định. Một số luật trung gian phải loại bỏ. Đồng thời đổi mới cả tư duy thực thi luật pháp hướng theo mục tiêu, theo kết quả chứ không phải theo quy trình.
>>Tỉnh sắp lên Thành phố trực thuộc Trung ương lập kỷ lục về tăng trưởng GRDP trong 10 năm qua 
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh 
Sáp nhập cơ quan, đơn vị: Có người tài mới làm ra thể chế tốt