Đối trọng của liên minh hãng tàu lớn nhất thế giới ‘cập bến’ tại Việt Nam
Sự tái cấu trúc của các liên minh hãng tàu không chỉ định hình lại bản đồ hàng hải thế giới mà còn mở ra những cơ hội và thách thức mới cho các doanh nghiệp khai thác cảng biển Việt Nam.
Ngày 17/2/2025, Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) vừa tổ chức lễ chào mừng chuyến tàu đầu tiên mang tên One Eagle, có sức chở 14.000 TEUs, thuộc tuyến dịch vụ EC3 (1 trong 4 tuyến dịch vụ chính của Liên minh Premier, cùng với PS3, FP2 và MS2, kết nối Việt Nam với các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu).
Việc Liên minh Premier tiếp tục chọn TCIT làm điểm đến tại Cái Mép sau quá trình tái cấu trúc là một quyết định mang tính chiến lược, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu và tầm nhìn của liên minh trong giai đoạn mới. Với đội tàu hơn 300 tàu container, sức chở 3 triệu TEUs, Liên minh Premier đã triển khai 24 tuyến dịch vụ, tập trung vào các tuyến hàng hải Á - Âu, Mỹ và Địa Trung Hải.
![]() |
Tàu One Eagle thuộc tuyến dịch vụ mới EC do Liên minh Premier khai thác tại TCIT (Ảnh: Báo Giao thông) |
Trước đó, ngày 6/2 vừa qua, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT ) đã đón chuyến tàu đầu tiên của tuyến dịch vụ WC1/TP6 do Liên minh vận tải Gemini khai thác tại Cái Mép.
Ngày 1/2/2025, Liên minh vận tải Gemini, gồm 2 hãng tàu container Maersk (Đan Mạch - tập đoàn logistics hàng hải lớn nhất thế giới) và Hapag-Lloyd (hãng tàu container lớn nhất của Đức), chính thức vận hành. Tại Việt Nam, Cảng Quốc tế Cái Mép trong cụm Cái Mép - Thị Vải đã được Gemini chọn làm cảng chính duy nhất ở phía Nam.
Những ảnh hưởng của tái cấu trúc liên minh vận tải đến doanh nghiệp Việt Nam
Từ tháng 2/2025, thị trường vận tải container đường biển toàn cầu sẽ hình thành 4 nhóm đối thủ chính, bao gồm 3 liên minh lớn và hãng tàu độc lập MSC. Theo đó, Maersk và Hapag-Lloyd hợp tác thành lập liên minh mới mang tên Gemini, trong khi Hapag-Lloyd rời khỏi The Alliance, khiến liên minh này đổi tên thành Premier Alliance với 3 thành viên: ONE, Yang Ming và HMM. Ocean Alliance vẫn duy trì cơ cấu hiện tại, trong khi MSC tiếp tục hoạt động độc lập.
Liên minh Gemini sẽ áp dụng mô hình vận hành Hub & Spoke (trục – nan hoa), giúp giảm số lượng cảng cần ghé và tăng cường sử dụng tàu feeder để vận chuyển hàng hóa. Điều này không chỉ mở rộng khả năng kết nối mà còn nâng cao tính linh hoạt trong hoạt động khai thác đội tàu.
Trong khi đó, các liên minh khác tập trung phát triển mô hình kết nối cảng – cảng, đặc biệt trên 2 tuyến hàng hải quan trọng là châu Á – Bắc Mỹ và châu Á – châu Âu.
![]() |
Nguồn: VDSC |
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC ), việc tái cấu trúc liên minh sẽ mang lại lợi ích cho các cảng nước sâu tại Việt Nam, nhờ vào xu hướng mở rộng đội tàu cỡ lớn và gia tăng tần suất ghé cảng. Điều này có thể giúp cảng biển Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược trên các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng.
Tại khu vực Hải Phòng, thị phần vận tải dự kiến sẽ có sự thay đổi. Hãng tàu MSC và Maersk, 2 đối tác quan trọng của Cảng Hải Phòng (PHP ) và Hateco, sẽ tăng cường sử dụng dịch vụ tại bến số 3-4 và bến số 5-6 của cảng Lạch Huyện. Ngược lại, cảng Nam Đình Vũ (thuộc Gemadept) có thể chịu ảnh hưởng khi MSC chuyển các tuyến khai thác cố định về Lạch Huyện.
Viconship (VSC ), một trong những cảng phục vụ Maersk, được nhận định sẽ chịu tác động ít hơn do không phải cảng khai thác cố định.
Tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, VDSC đánh giá sự thay đổi liên minh sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến 2 cảng Gemalink (thuộc Gemadept) và CMIT, nhờ sự hoán đổi vai trò giữa Hapag-Lloyd và MSC.
Sự tái cấu trúc của các liên minh hãng tàu không chỉ định hình lại bản đồ hàng hải thế giới mà còn mở ra những cơ hội và thách thức mới cho các cảng biển Việt Nam. Việc thích ứng với những biến động này sẽ là yếu tố quyết định khả năng phát triển bền vững của ngành cảng biển trong tương lai.
>> VIMC (MVN): Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu chính sách cảng mở tại 'siêu cảng' gần 5,5 tỷ USD