Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng lương hưu tối đa?
Thông tin về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu tối đa nhận được nhiều quan tâm từ người lao động.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức lương hưu được tính dựa trên mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội  (BHXH). Cụ thể, mức đóng BHXH càng cao và thời gian đóng càng dài thì mức lương hưu càng cao.
Điều 56 và 74 của Luật BHXH năm 2014 quy định, mức lương hưu hằng tháng đối với người đóng BHXH bắt buộc được tính theo công thức:
Lương hưu  hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu được quy định như sau:
Đối với lao động nam, nếu tham gia BHXH đủ 20 năm thì được hưởng 45%, sau đó, mỗi năm cộng thêm 2%, tối đa là 75%. Tương ứng với số năm đóng BHXH nhất định, tỷ lệ hưởng của người lao động sẽ khác nhau.
Đối với lao động nữ, nếu đóng BHXH đủ 15 năm thì được hưởng 45%, sau đó, mỗi năm cũng cộng thêm 2%, tối đa là 75%.
Như vậy, nếu lao động nam muốn hưởng lương hưu tối đa thì phải đóng BHXH ít nhất 35 năm; đối với lao động nữ, phải đóng BHXH ít nhất 30 năm.
Ngoài ra, lương hưu sẽ được điều chỉnh dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách nhà nước  và quỹ BHXH.
>>Đề xuất tăng hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng mức tối đa 75% như lương hưu? 
Người nhận lương hưu qua tài khoản than phiền vì bị trừ phí, xin nhận tiền mặt, NHNN nói gì? 
Chính phủ đề nghị chưa tăng lương hưu, lương khu vực công trong năm 2025