Vĩ mô

Đồng chí Lê Minh Khái: Gia cố trụ đỡ của nền kinh tế ngày càng mạnh, bền vững

Trần Mạnh 12/10/2023 - 15:18

Sáng 12/10, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VIII, năm 2023 với chủ đề: Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Đồng chí Lê Minh Khái: Gia cố trụ đỡ của nền kinh tế ngày càng mạnh, bền vững - Ảnh 1.

Đồng chí Lê Minh Khái: Kinh tế tập thể không chỉ có vai trò phát triển kinh tế đơn thuần, mà còn góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định sự kiên định đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Ảnh VGP

(TyGiaMoi.com) - Kinh tế tập thể không chỉ có vai trò phát triển kinh tế đơn thuần, mà còn góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

Đồng chí Lê Minh Khái bày tỏ vui mừng tham dự Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VIII năm 2023 với sự có mặt của 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc và 63 Hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức, cùng nhau trao đổi về chủ đề "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp".

Đánh giá cao việc Hội Nông dân lựa chọn chủ đề cho diễn đàn năm nay, đồng chí Lê Minh Khái cho rằng, đây là hoạt động rất thiết thực chào mừng kỉ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (13/10/1930 - 13/10/2023) và triển khai Nghị quyết Trung ương lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết của các đại biểu tham dự diễn đàn, đồng chí Lê Minh Khái đánh giá, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm, thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nhất là vai trò của các các hợp tác xã. Đặc biệt là phát biểu của Tùy viên nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Đồng chí Lê Minh Khái nêu rõ, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã khẳng định: "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị". Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Đảng, Nhà nước xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kinh tế tập thể không chỉ có vai trò phát triển kinh tế đơn thuần, mà còn góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định sự kiên định đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội

Theo đồng chí Lê Minh Khái, trong những năm qua, khu vực kinh tế tập thể đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, Hội Nông dân và hội viên hội nông dân đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể.

Hiện nay, trong hơn 31 nghìn hợp tác xã có hơn 20 nghìn hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63%% tổng số thành viên. Nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo nên các chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong nước, đặc biệt là những lao động yếu thế trong xã hội.

Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi được các Hội nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP.

Các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.

Đồng chí Lê Minh Khái: Gia cố trụ đỡ của nền kinh tế ngày càng mạnh, bền vững - Ảnh 2.

Kinh tế tập thể là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.

(TyGiaMoi.com) - Hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh

Tuy vậy, các hợp tác xã hiện nay cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đánh giá cao các ý kiến của đại biểu liên quan đến vấn đề tín dụng cho lĩnh vực kinh tế hợp tác, đồng chí Lê Minh Khái đề nghị ban tổ chức tổng hợp các ý kiến để Chính phủ tiếp thu, chỉ đạo các bộ ngành liên quan, để triển khai các chủ trương của Đảng, Luật Hợp tác xã đi vào cuộc sống.

Theo đồng chí Lê Minh Khái, tại diễn đàn ngày hôm nay, nhiều đại diện hợp tác xã đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả, cũng như nêu lên những kiến nghị, đề xuất rất thiết thực. Có nhiều vấn đề, các hợp tác xã đặt ra có thể tháo gỡ, giải quyết được trong thời gian trước mắt. Nhưng cũng có nhiều vấn đề đòi hỏi phải giải quyết từng bước, có lộ trình theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhằm đảm bảo phát triển lợi ích hài hòa giữa các thành phần kinh tế, giữa các thành phần tham gia trong các chuỗi liên kết.

Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Các mô hình kinh tế tập thể, các tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập hoạt động hiệu quả ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng chí Lê Minh Khái bày tỏ phấn khởi cho biết, trong 9 tháng vừa rồi tăng trưởng tín dụng đối với nông dân, hợp tác xã qua 2 ngân hàng Agribank và NHCSXH khoảng 30.000 tỷ, đưa tổng dư nợ lên 170.000 tỷ. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên quy mô các hợp tác xã còn nhỏ, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị còn yếu, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết chặt chẽ với các loại hình kinh tế khác.

Phấn đấu số lượng hợp tác xã mới được thành lập năm sau phải cao hơn năm trước, hoạt động hiệu quả, thiết thực, có liên kết

Trên tinh thần đó, sau diễn đàn này, đồng chí Lê Minh Khái đề nghị các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân Việt Nam cần khẩn trương tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất là, cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện yêu cầu này, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Hội Nông dân Việt Nam cần xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục bảo đảm thiết thực và hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú; kịp thời tôn vinh và nhân rộng các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.

Thứ hai là, phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, đề nghị Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới được nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hơn nữa trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp.

Phấn đấu số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác mới được thành lập năm sau phải cao hơn năm trước, đáp ứng mục tiêu cụ thể đã được nêu tại Nghị quyết số 20- NQ/TW là đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 02 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 08 triệu thành viên tham gia.

Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh, hợp tác xã, tổ hợp tác mới được thành lập phải hoạt động hiệu quả, thiết thực, có sự liên kết theo chuỗi với nhau. Đồng thời, phải tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa hợp tác xã/tổ hợp tác với doanh nghiệp, với nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng.

Các hợp tác xã cần nhanh chóng, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh; vào các khâu sản xuất, chế biến, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Phát huy tối đa vai trò nòng cốt, làm chủ của người nông dân; gia cố trụ đỡ của nền kinh tế đất nước ngày càng bền vững

Thứ ba là, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp".

Các nội dung Đề án phải đảm bảo tính khả thi, huy động được nguồn lực của xã hội, hộ gia đình, cá nhân cùng tham gia; phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích những cách làm mới, hình thành các chuỗi liên kết bền vững.

Cần phát huy tối đa vai trò nòng cốt, làm chủ của người nông dân trong phát triển kinh tế tập thể; khơi dậy khát vọng, ý chí làm giàu của cán bộ, hội viên nông dân.

Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong 9 tháng năm 2023, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định sự phát triển ổn định, bền vững. Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước, vừa bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản.

Do đó, đồng chí Lê Minh Khái đề nghị, trong đề án phải đề xuất các giải pháp để "gia cố" cho trụ đỡ của nền kinh tế đất nước ngày càng mạnh và bền vững.

Thứ tư là, đối với các bộ, ngành, địa phương, đồng chí Lê Minh Khái yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà đại diện các hợp tác xã đã nêu lên tại Diễn đàn, nhất là không đùn đẩy trách nhiệm với những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách về hợp tác xã.

Đối với những vấn đề còn khó khăn, phức tạp, đồng chí Lê Minh Khái đề nghị các đồng chí lãnh đạo bộ, cơ quan cần chủ động tham mưu, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Dành nguồn lực tương xứng cho sự phát triển của các hợp tác xã, tổ hợp tác

Thứ năm là, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể. Ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương cần dành nguồn lực, bố trí nguồn vốn cho Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ thành lập, củng cố các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, thực chất. Giao nhiệm vụ cho Hội Nông dân trực tiếp tham gia thực hiện, phối hợp thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế tập thể theo kế hoạch 5 năm, hàng năm.

Xây dựng và quy hoạch các vùng nguyên liệu gắn với hợp tác xã, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều hơn nữa vào nông nghiệp, nông thôn.

Coi phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, từ đó dành nguồn lực tương xứng cho sự phát triển của các hợp tác xã, tổ hợp tác.

"Trong quá trình triển khai phải đặc biệt quan tâm tới chất lượng", đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Thứ sáu là, cần tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hơp tác xã trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực các tổ chức kinh tế tập thể do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập.

Xây dựng cơ chế, chính sách để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ tri thức trẻ về làm việc tại các hợp tác xã, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong xây dựng chuỗi giá trị, hội nhập quốc tế.

Tăng cường các chương trình ký kết, hợp tác với các học viện, trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác; song song với đó là chính sách đào tạo tại chỗ theo hướng cầm tay, chỉ việc, "học phải đi đôi với hành".

Các hợp tác xã phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị

Bảy là, một yếu tố hết sức quan trọng là các hợp tác xã phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị.

Các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Các hợp tác xã cũng cần nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất- kinh doanh; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm hiện đại hóa các khâu sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Và cuối cùng, diễn đàn Nông dân Quốc gia hôm nay là một hoạt động rất có ý nghĩa do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức, phát huy tinh thần đó, Hội Nông dân Việt Nam cần duy trì hoạt động tổ chức Diễn đàn, tạo thành "sân chơi" bổ ích cho người nông dân trong việc chia sẻ, đề xuất các kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời nêu những đề xuất, kiến nghị để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các bộ, ngành, địa phương kịp thời có giải pháp, chính sách tháo gỡ.

Kinh tế tập thể là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội

Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh, kinh tế tập thể, hợp tác xã là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.

Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, hợp tác xã chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế xã hội, hướng đến mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Với những tín hiệu mới đang tác động lớn tới phong trào xây dựng hợp tác xã, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hợp tác xã, đồng chí Lê Minh Khái tin tưởng rằng trong thời gian tới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta sẽ sớm phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Loại bỏ dàn trải, phát triển bốn không gian quan trọng tạo đột phá kinh tế

Nông dân Hậu Giang 'liều lĩnh' trồng loại cây trái vụ thấp lè tè, kết quả sản lượng cả tấn, đút túi hàng trăm triệu đồng

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/dong-chi-le-minh-khai-gia-co-tru-do-cua-nen-kinh-te-ngay-cang-manh-ben-vung-102231012124126643.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đồng chí Lê Minh Khái: Gia cố trụ đỡ của nền kinh tế ngày càng mạnh, bền vững
    POWERED BY ONECMS & INTECH