Đông dân hơn, chi phí rẻ hơn, vì sao Ấn Độ vẫn chưa thể thay Trung Quốc làm 'công xưởng thế giới'?
Mặc dù đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ vẫn còn xa mới chiếm được vị thế cường quốc xuất khẩu dù đặt ra mục tiêu "Made in India" từ 10 năm trước.
Tại sân bay Mumbai, có một nghịch lý thú vị là nếu du khách đến một cửa hàng đồ chơi để mua quà lưu niệm cho trẻ em, họ sẽ tìm thấy một bộ đồ chơi giáo dục đa dạng, phản ánh khát vọng học tập của tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh mẽ tại Ấn Độ.
Xen lẫn trong đó là các món đồ nhựa phổ biến, như sở thích phổ biến của bao trẻ em trên toàn thế giới. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là một nửa số sản phẩm được bày bán trong cửa hàng không được sản xuất tại Ấn Độ, mà đều “Made in China”.
Không chỉ đồ chơi mà hàng loạt những món đồ gia dụng, nội thất trong siêu thị Ấn Độ đều dòng chữ nhỏ phía sau lại tiết lộ nguồn gốc sản xuất: Trung Quốc.
Thực tế này đặt ra một câu hỏi lớn: Tại sao các sản phẩm cơ bản này lại được sản xuất tại Trung Quốc, một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người 12.614 USD, sau đó chịu thuế nhập khẩu và vận chuyển đến Ấn Độ, nơi thu nhập trung bình chỉ ở mức 2.485 USD?
Sự chênh lệch lớn về chi phí lao động này đáng lẽ đã mang lại lợi thế cho sản xuất nội địa tại Ấn Độ, nhưng tiếc là quốc gia Nam Á đã không tận dụng được điều đó.
Được công bố vào năm 2014, kế hoạch kinh tế lớn "Make in India" ("Sản xuất tại Ấn Độ") có ba mục tiêu được nêu: nâng tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lên 12-14%/năm; tạo thêm 100 triệu việc làm sản xuất trong nền kinh tế vào năm 2022; và để đảm bảo rằng đóng góp của ngành sản xuất vào GDP được tăng lên 25% vào năm 2022 (sau đó được sửa đổi thành năm 2025).
Tuy nhiên, kế hoạch này được coi là một thất bại các chỉ số tăng trưởng sản xuất, đầu tư nước ngoài và nội địa, thậm chí cả chỉ số việc làm đều ì ạch trong những năm trước đại dịch (2017-2019).
Sự thiếu hụt đầu tư của doanh nghiệp Ấn Độ đang trở thành một điểm nghẽn trong câu chuyện tăng trưởng kinh tế ấn tượng của quốc gia này. Mặc dù nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhưng việc hình thành vốn mới chỉ ổn định ở mức 1/3, và tài sản cố định của các công ty chỉ tăng 5,5% trong năm qua - một con số thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung, theo số liệu từ Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ.
Trong nhiều năm, nợ nần và sự phát triển chậm chễ được xem như những lý do chính của tình trạng này. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Ấn Độ phải đối mặt với "vấn đề bảng cân đối kế toán kép": các doanh nghiệp quá tải đòn bẩy đang vật lộn trả nợ, trong khi các ngân hàng - bị ảnh hưởng bởi những khoản nợ xấu - miễn cưỡng mở rộng tín dụng.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng yếu kém như đường sá, cảng, điện nước cũng là rào cản lớn cho sự phát triển công nghiệp hóa của nhiều ngành.
Chính phủ của ông Narendra Modi đã có những bước can thiệp quyết liệt. Việc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, duy trì kỷ luật ngân sách và hỗ trợ NHTW kiểm soát lạm phát đã cải thiện đáng kể môi trường kinh tế vĩ mô.
Với thị trường chứng khoán sôi động , nguồn tín dụng sẵn có và lực lượng lao động trẻ dồi dào, Ấn Độ dường như không thiếu tiềm năng. Nhưng vấn đề đầu tư chậm chủ yếu nằm ở khía cạnh vi mô và thiếu động lực.
Trong bối cảnh hiện nay, sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc được xem như một nguyên nhân tiềm ẩn. Tuy nhiên, thành công xuất khẩu gần đây của Việt Nam và Bangladesh chứng minh rằng không thể quy toàn bộ nguyên nhân cho Trung Quốc. Trong khi các quốc gia này đã tận dụng làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Ấn Độ vẫn còn chậm chân.
Rào cản chính sách
Từ góc nhìn của các doanh nghiệp nhỏ, muốn nhanh cũng khó vì rào cản bủa vây, mà phần nhiều đến từ chính sách.
Chính phủ Ấn Độ thiên về ưu tiên các tập đoàn lớn và ngành công nghệ cao, với những ưu đãi tỷ USD cho các lĩnh vực như điện tử và chất bán dẫn. Tuy nhiên, những ngành này vẫn còn quá xa với khả năng tạo việc làm hàng loạt. Sự độc quyền của các tập đoàn lớn như Reliance , Tata  và Adani  trong nền kinh tế kỹ thuật số cũng là một trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các doanh nhân Ấn Độ đang phải vật lộn với một loạt rào cản pháp lý và thể chế. Luật phá sản năm 2016, mặc dù được thiết kế để cải thiện môi trường kinh doanh, lại được cho là quá khắc nghiệt.
Các ngân hàng e ngại áp dụng các khoản vay mới do lo sợ hình phạt liên quan đến các khoản vay không hoạt động. Khởi nghiệp hay đóng cửa doanh nghiệp tại Ấn Độ vẫn là một quá trình phức tạp và tốn kém do hệ thống luật lao động và các quy định khác.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, việc phát triển không chỉ đơn thuần là tăng trưởng về quy mô mà còn là khả năng cạnh tranh và quản lý rủi ro. Các nhà kinh doanh cần một môi trường cho phép họ mở rộng kinh doanh mà không phải lo sợ sự can thiệp của các đối thủ lớn.
Các rào cản xuất khẩu lại càng trở nên rõ ràng hơn. Từ năm 2018, chính phủ Modi đã tăng thuế, bao gồm cả các sản phẩm trung gian như bảng mạch in và màn hình. Chiến lược bảo hộ này, dù nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, lại khiến Ấn Độ giảm sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy sự tham gia của Ấn Độ vào chuỗi giá trị toàn cầu đã sụt giảm đáng kể - từ hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 xuống còn khoảng 15% vào năm 2020. Đồng thời, Ấn Độ có ít thỏa thuận thương mại tự do với các nền kinh tế phát triển, trong khi các đối thủ lại sở hữu những thỏa thuận như vậy.
Sự e dè của Ấn Độ trong việc tham gia các hiệp định thương mại  toàn châu Á và mở cửa nền kinh tế đối với Trung Quốc là dễ hiểu. Tuy nhiên, các thỏa thuận thương mại song phương, chẳng hạn như với Vương quốc Anh, lại là cơ hội đáng được xem xét.
Mặc dù phần lớn các thách thức hiện tại không đòi hỏi những cải cách tốn kém cả về chi phí và thời gian, việc tạo không gian cho năng động của thế hệ doanh nhân trẻ Ấn Độ vẫn là một mục tiêu tối quan trọng để biến "Made in India" có thể sẽ trở nên phổ biến không kém "Made in China" hiện nay.
Theo FT
>> Siêu cường châu Á đau đầu với khủng hoảng nhân lực: Nghề thiếu người, người thất nghiệp