Động đất dữ dội cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người, nhiều khu vực bị bao trùm bởi khói đen, gây thiệt hại ước tính 100 tỷ USD
Trận động đất gây thương vong cực lớn do xảy ra gần trung tâm thành phố.
Cách đây tròn 30 năm trước, vào ngày 17/1/1995 (theo giờ địa phương), một trận động đất  mạnh 7.3 độ richter tấn công thành phố cảng Kobe, Nhật Bản. Theo đó, thảm họa này xảy ra lúc 5h46 sáng và kéo dài 20 giây. Tâm chấn nằm ở phía Bắc đảo Awaji, cách bờ biển thành phố cảng Kobe khoảng 20km. Thảm họa kinh hoàng này đã tàn phá Kobe và các thành phố khác như Osaka, Kyoto,...
Trận động đất đã gây ra những thiệt hại nặng nề, cướp đi sinh mạng của 6.434 người và khiến hàng chục nghìn người khác phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Hơn 640.000 ngôi nhà bị phá hủy, hệ thống giao thông, đặc biệt là quốc lộ Hanshin, tuyến đường được xây dựng để chống chọi với động đất, cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, động đất còn gây ra 175 vụ cháy, trong đó 54 vụ xảy ra đồng thời, khiến nhiều khu vực bị bao trùm bởi khói đen. Tổng số diện tích bị đốt cháy lên tới 819.108m2.
Sức mạnh tàn phá của trận động đất đã khiến nhiều con tàu bị trật bánh, hệ thống điện lưới bị tê liệt, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của một triệu người. Dennis Kessler, một nhà báo Anh sống tại Osaka, đã chia sẻ trải nghiệm đáng sợ khi căn hộ của anh bị rung lắc dữ dội đến mức mọi vật dụng trong phòng đều bay lơ lửng.
“Tất cả mọi thứ trong phòng chúng tôi đều bay lên. Tường và trần đều di chuyển, các vết nứt xuất hiện. Cả căn phòng rung lắc như thể nó được làm bằng thạch”, Dennis Kessler cho biết.
Động đất Kobe không mạnh bằng những trận động đất từng xảy ra trước đây ở Nhật, nhưng sự phá hủy mà nó gây ra lớn hơn rất nhiều vì diễn ra gần trung tâm thành phố, nơi tập trung đông dân.
Theo ước tính, trận động đất này đã làm kinh tế Nhật Bản thiệt hại khoảng 100 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP Nhật Bản thời điểm đó, cho thấy mức độ tàn phá khủng khiếp của trận động đất. Phải mất nhiều năm, Kobe mới có thể vực dậy sau thảm họa kinh hoàng này.
Trận động đất này cũng đã trở thành một bài học đắt giá, thúc đẩy Nhật Bản  tiến hành cải cách toàn diện trong công tác ứng phó thảm họa, trong đó có việc thành lập trung tâm quản lý khủng hoảng tại Văn phòng Thủ tướng và ban hành luật hỗ trợ người dân sau thảm họa. Đặc biệt, chính sách bảo hiểm động đất cũng được phổ biến rộng rãi sau sự kiện này.