Động đất mạnh 7,3 độ Richter vừa 'tấn công' một quốc đảo: Hàng trăm người chết, mất tích, đại sứ quán Mỹ hư hại nghiêm trọng
Mảnh vỡ bê tông, kính vỡ và kim loại nằm ngổn ngang, bao quanh tấm biển hiệu của Đại sứ quán Mỹ.
Trưa ngày 17/12, một trận động đất mạnh 7,3 độ richter đã làm rung chuyển Vanuatu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều công trình, bao gồm cả Đại sứ quán Mỹ .
Hãng tin CNN dẫn thông tin từ Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, tâm chấn của trận động đất nằm sâu khoảng 57,1km dưới lòng đất. Cường độ ban đầu được ghi nhận cao hơn nhưng đã được điều chỉnh giảm sau khi đánh giá chi tiết.
Tòa nhà Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Port Vila, Vanuatu bị hư hại sau trận động đất mạnh. (Ảnh: CNN)
Trận động đất  đã gây hoảng loạn trong cộng đồng địa phương và khiến các cơ quan chức năng phải khẩn trương ứng phó, kiểm tra mức độ thiệt hại và đảm bảo an toàn cho người dân.
Nhiều hình ảnh và video do CNN thu thập cho thấy tòa nhà màu xanh và đỏ, nơi đặt trụ sở Đại sứ quán Mỹ và một số nước phương Tây, bị hư hại nghiêm trọng. Tầng một của tòa nhà bị sụp đổ, để lộ kết cấu bên trong bị phá hủy nặng nề. Mảnh vỡ bê tông, kính vỡ và kim loại nằm ngổn ngang, bao quanh tấm biển hiệu của Đại sứ quán Mỹ.
Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Port Moresby, Papua New Guinea, cho biết: “Đại sứ quán Mỹ tại Port Vila đã chịu thiệt hại nặng nề. Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất”.
Bộ Ngoại giao New Zealand xác nhận tòa nhà bị hư hại, nơi đặt trụ sở Đại sứ quán Mỹ, cũng là nơi đặt Văn phòng Cao ủy New Zealand cùng Đại sứ quán Anh và Pháp.
Bà Katie Greenwood, phụ trách Tổ chức Chữ Thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ có trụ sở ở Fiji, cho biết, ít nhất một người đã thiệt mạng khi được đưa vào bệnh viện sau trận động đất kinh hoàng. “Đây là trận động đất tồi tệ nhất ở Thái Bình Dương mà tôi từng chứng kiến”, bà chia sẻ.
Tầng một của tòa nhà bị sụp đổ, để lộ kết cấu bên trong bị phá hủy nặng nề. (Ảnh: CNN)
Theo thống kê ban đầu, khoảng 73.000 người đã cảm nhận được rung lắc cực mạnh do trận động đất gây ra, trong đó gần 50% sinh sống tại thủ đô Port Vila, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Trung tâm Cảnh báo Sóng thần thuộc Cơ quan Thời tiết Quốc gia Thái Bình Dương đã dỡ bỏ cảnh báo sóng thần sau trận động đất. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cảnh báo nguy cơ biển động tại một số khu vực ven biển gần tâm chấn, khuyến cáo người dân duy trì cảnh giác.
Các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm đường dây liên lạc, đã bị hư hại nghiêm trọng. Ít nhất 14 người thiệt mạng và hàng trăm người vẫn mất tích sau cơn địa chấn.